Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến khai mạc vào 15/1/2024

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Theo ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ họp 3 ngày, khai mạc vào 15/1/2024.

VTC News đưa tin chiều 18/12, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội và bước đầu chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trình bày báo cáo, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết, dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5 sẽ họp 3 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024, bế mạc chiều 19/1/2024 và chia thành 2 đợt.

Ông Bùi Văn Cường cho hay: "Quốc hội nghỉ 2 ngày làm việc giữa 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua".

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường phải đáp ứng tiêu chí về tính cấp thiết, phải được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và đạt sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan, hạn chế tối đa việc trình những nội dung có nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Đồng thời, cần tính toán để bảo đảm thời điểm tổ chức, quỹ thời gian hợp lý trong kỳ họp cho các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội thông qua theo đúng quy trình, thủ tục quy định.

Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: VOV

Đặc biệt, với những dự án, dự thảo lớn, nội dung phức tạp, các đại biểu Quốc hội cũng cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến.

Vì thế, ông Bùi Văn Cường nêu rõ, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng thì có 3 nội dung được đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường.

Thứ nhất, xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thứ hai, xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ ba, xem xét thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).

"Để Ủy Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp bất thường để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến", VTC News dẫn lời ông Bùi Văn Cường.

Cũng theo ông Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn... để phục vụ tốt cho kỳ họp.

Tổng Thư Ký Quốc hội cho biết thêm, một số nội dung khác nằm trong dự kiến nhưng chưa được trình tại kỳ họp bất thường thứ 5 này.

Cụ thể, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung khó, phức tạp, chưa có ý kiến của Bộ Chính trị, do đó chưa nên trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường này.

Đối với việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (như Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam) và dự án quan trọng quốc gia (dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành), ông Bùi Văn Cường nêu rõ, đây là những nội dung cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo ông Bùi Văn Cường, hồ sơ phải được gửi đến cơ quan thẩm tra theo đúng thời hạn quy định của Luật Đầu tư công (chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp) để các cơ quan có đủ thời gian tiến hành khảo sát, đánh giá, xem xét đủ điều kiện trước khi trình Quốc hội.

Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội sẽ họp 3 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024. Ảnh minh họa: Thanh Niên

Về các dự án luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và luật Đất đai sửa đổi, theo thông tin trên báo Thanh Niên, ông Bùi Văn Cường cho biết trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đề nghị có văn bản trả lời chậm nhất vào ngày 10/12.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ TN&MT) tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật; dự kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2024, xem xét có đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua hay không.

Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Chính phủ về dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Về luật Đất đai sửa đổi, Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ, sau khi kết thúc rà soát dự thảo lần thứ 2 trong tháng 12, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có văn bản gửi Chính phủ đề nghị có ý kiến chính thức về dự thảo luật và nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Sau khi nhận được ý kiến chính thức của Chính phủ, các cơ quan sẽ hoàn thiện dự thảo luật để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2024 và báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi hoàn thành về mặt nội dung dự thảo luật, Ủy ban Kinh tế sẽ chuyển dự thảo để Ủy ban Pháp luật rà soát về mặt kỹ thuật.

XEM THÊM: Thực hư cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng Hội An mở cửa trong thời gian đình chỉ hoạt động

Theo ông Bùi Văn Cường, đây là dự án luật rất quan trọng, phạm vi tác động lớn với nhiều điều khoản liên quan. Mặc dù các cơ quan đã liên tục làm việc, nỗ lực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành việc rà soát toàn bộ dự thảo luật.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 1/2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo luật, nên đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc việc thông qua các dự án luật Đất đai sửa đổi, luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 và chuyển sang thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật