Theo báo Dân trí, tại buổi tiếp xúc người dân đã bày tỏ băn khoăn về việc thu thập dữ liệu cho thẻ mới và lo ngại vấn đề sai sót thông tin khi cơ quan chức năng phải làm lại thẻ căn cước cho người dân cả nước.
Đưa ra ý kiến thắc mắc tại buổi tiếp xúc, cử tri Đỗ Hùng Chí (quận 4) cho biết, qua nghiên cứu, ông nhận thấy thẻ căn cước mới có bổ sung thêm thông tin mống mắt. Ông Chí đặt câu hỏi cho các cơ quan chức năng về cách thức và phương tiện lấy dữ liệu mống mắt thời gian tới.
"Các trang, thiết bị lấy thông tin mống mắt có đảm bảo chính xác về dữ liệu hay không. Khi người dân đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, tôi thấy nhiều dữ liệu không được cập nhật chính xác do trang, thiết bị chưa đảm bảo. Việc thông tin sai cũng khiến người dân gặp khó trong giao dịch, làm các thủ tục", cử tri quận 4 bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM giải đáp thắc mắc của cử tri về thẻ căn cước. Ảnh: Dân trí, Thanh niên.
Cũng đưa ra ý kiến về vấn đề này, cử tri Trần Thị Thanh (quận 4) cũng chia sẻ, thời điểm trước đây, lực lượng công an khu vực phải rất vất vả để hoàn thành việc đổi thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân đúng thời hạn. Khối lượng công việc lớn dẫn đến việc người dân phải đợi rất lâu để nhận thẻ căn cước công dân.
"Khi Quốc hội thông qua Luật Căn Cước, người dân mong muốn đây là sản phẩm cuối cùng để tránh tốn thêm nhiều thời gian, kinh phí và công sức của người dân, các lực lượng chức năng", cử tri quận 4 nói.
Trả lời thắc mắc này, Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định người dân đang giữ căn cước công dân còn hiệu lực sẽ vẫn sử dụng bình thường sau ngày Luật Căn cước được thi hành. Người dân chỉ đổi thẻ khi có nhu cầu hoặc căn cước công dân hết hạn.
Khi làm thẻ mới, người dân mới cần bổ sung đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học, trong đó có mống mắt. Bộ Công an là cơ quan tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện cơ sở dữ liệu làm căn cước công dân. "Việc đổi thẻ căn cước công dân có bổ sung dữ liệu mống mắt sẽ làm theo lộ trình nên không lo chuyện quá tải", Phó giám đốc Công an TP.HCM làm rõ.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh niên.
Cũng có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri, tiếp nhận ý kiến của người dân, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác.
Đối với luật Căn cước cho phép bổ sung dữ liệu mống mắt vào Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, bà Tuyết cho biết Chính phủ sẽ ban hành nghị định và Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
"Trước mắt, người dân không phải lo lắng sắp tới sẽ thực hiện như thế nào. Khi có văn bản hướng dẫn, các ngành chức năng sẽ phối hợp địa phương thông tin đầy đủ về cách thức tiến hành, thời gian thực hiện cũng như việc lấy dữ liệu mống mắt có kết hợp với việc đổi CCCD hay không", bà Tuyết nói.
Riêng với thẻ chứng minh nhân dân, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết thêm người dân vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết tháng 6/2024. Kể từ tháng 7/2024, khi luật Căn cước có hiệu lực thì toàn bộ thẻ chứng minh nhân dân sẽ hết giá trị sử dụng, báo Thanh niên đưa tin.
Bảo An (T/h)