Liên quan đến Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua sáng 27/11, theo đó, thẻ căn cước công dân sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước. Một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ căn cước công dân hiện nay. Dòng chữ "căn cước công dân" đổi thành "căn cước", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Theo quy định mới, thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “CĂN CƯỚC”, ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng, nơi cấp, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin.
Những thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, nhóm máu, số CMND 9 số, tôn giáo, thông tin nhân dạng, thẻ BHYT, giấy phép lái xe… sẽ được mã hóa, lưu trữ trong chip.
Thẻ Căn cước sẽ lược bỏ trường thông tin quê quán và dấu vân tay. Ảnh minh họa.
Theo Dân trí, ngoài ra, tại Điều 15 của Luật quy định thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước. Trong đó, có thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); Nghề nghiệp (trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu)...
Về thông tin sinh trắc học ADN và giọng nói, Luật Căn cước quy định việc này được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Như vậy, so với Luật Căn cước công dân 2014, thông tin về quê quán, vân tay đã được lược bỏ, không cần thể hiện trên thẻ căn cước. Thay vào đó, quê quán của công dân sẽ được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lý giải về việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ, theo cơ quan soạn thảo Luật là nhằm đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin quê quán để đảm bảo tính riêng tư, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ và vướng mắc trong xác thực thông tin.
Thông tin rõ hơn về vấn đề này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) chia sẻ trên báo Người lao động, việc sửa thông tin trên bề mặt của căn cước công dân gắn chip tạo sự thuận lợi cho người dân. Bỏ thông tin về quê quán, mà thay vào đó bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh, bởi vì nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao.
"Có những người sinh ra ở Hà Nội thế nhưng quê bố mẹ, ông bà thì ở địa phương khác, thì quê quán ghi ở địa phương khác. Do đó, những thông tin này có thể gây khó khăn cho quá trình thu thập thông tin, tiến hành đối sánh để xác định một công dân nào đó"- thiếu tướng Phạm Công Nguyên nói.
Việc người dân thắc mắc là có cần phải làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước mới khi luật có hiệu lực hay không? Thì tại Điều 46 Luật Căn cước quy định về chuyển tiếp quy định rõ: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Trường hợp CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Bảo An (T/h)