Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ bí 8 pho tượng Phật nổi giúp dân chống giặc tại chùa Phước Lâm

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Thật kỳ lạ, tám pho tượng đất được các tổ sư nặn, khi được đưa xuống nước lại nổi lên...

(ĐSPL) - Các vị tổ sư của chùa Phước Lâm nguyện rằng, đem những pho tượng đất phơi khô thả xuống nước, nếu pho tượng nào nổi lên sẽ mang về thờ cúng, còn pho tượng nào chìm thì coi như trở về với đất. Thật kỳ lạ, tám pho tượng đất được các tổ sư nặn, khi được đưa xuống nước lại nổi lên...

Mục đồng trở thành sư tổ và những giai thoại

Từ trung tâm TP.HCM, chúng tôi men theo con đường Tĩnh Lộ 7 đến với chùa Phước Lâm (tại ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) vào một buổi trưa tháng 12 dịu mát. Tiếp chúng tôi tại phòng chính thượng, sư trụ trì Thiện Mẫn cho biết: "Nhà chùa đang trong thời gian xây dựng nên các pho tượng Phật, Bồ Tát của chùa đã được di dời, đợi khi nào xây dựng xong thì sẽ sắp xếp lại. Ngôi chùa được xây dựng từ công đức của người dân, dân lại nghèo nên chùa xây dựng từ bốn năm nay mà vẫn chưa xong".

Sư trụ trì Thiện Mẫn đang kể câu chuyện về các pho tượng bằng đất nổi trên mặt nước.

Kể về sự hình thành ngôi chùa, sư trụ trì Thiện Mẫn cho biết, chùa gắn liền với những pho tượng Phật bằng đất, cũng là những bức tượng của Phước Lâm tự. Ngày đó, tại ấp Ràng (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) có vùng đồng đất sét. Đó là cánh đồng chiêm trũng quanh năm không ngơi cạn nước. Các vị tổ sư của chùa lúc đó đều là mục đồng, thường xuyên đến khu vực này để chăn trâu. Để thuận lợi cho việc chăn trâu, các trẻ mục đồng này lại dùng tre và trúc kết thành những chiếc thuyền bè thả trên đồng nước. Từ chiếc bè nhỏ, các mục đồng dựng lên một ngôi nhà nổi giữa đồng nước mênh mông. "Ngày ấy, cứ những lúc rảnh rỗi, mục đồng lại vớt đất sét ở dưới sông lên nặn thành các bức tượng hình Phật tổ, rồi để trên những chiếc bè phơi khô", sư trụ trì Thiện Mẫn cho biết thêm.

Kể từ khi nặn được những pho tượng hình Phật, những đứa trẻ chăn trâu này lại mang trong mình ý niệm thờ Phật, biết tụng kinh niệm Phật đọc vanh vách khiến ai ai cũng thấy lạ. Rồi ngày nọ, các vị mục đồng phát nguyện rằng những tượng đất phơi khô này nếu thả xuống nước, tượng nào nổi sẽ mang về nhà thờ, tượng nào chìm coi như trở về với đất. Nguyện xong, các mục đồng thả tất cả tượng đất xuống nước. Thông thường, tượng đất nếu thả xuống nước sẽ chìm. Nhưng thật kỳ lạ, bao nhiêu tượng đất Phật thả xuống là bấy nhiêu tượng lại nổi lên. Dù dùng tay ấn xuống sâu nhưng khi thả tay ra, những pho tượng đất cũng vẫn nổi.

Lời nguyện được thực hiện, các mục đồng mang tám pho tượng đất nổi lên bờ, lập chòi nhỏ bên gốc cây đa ngoài đồng thờ tụng. Thường ngày chăn trâu, hễ đào được củ sắn, củ khoai họ đều mang đến gốc cây thắp nhang cúng xong mới dám ăn. Nhưng lạ rằng, khi mang những con cá bắt được đến cúng, tổ sư Phan Sử (tức trụ trì đầu tiên của chùa tổ sư Thiện Sử) là một trong số mục đồng nặn tượng bấy giờ, đột ngột lên cơn sốt nặng. Suốt đêm, cậu bé chăn trâu nói những câu không ai hiểu được, đầu sốt mà miệng vẫn tụng kinh. Tìm mãi không ra bệnh, mọi người bèn gặng hỏi những mục đồng còn lại mới hay sự việc xung quanh các pho tượng Phật bằng đất nổi.

Vì thế, người dân trong làng liền họp bàn cách tạ tội với những pho tượng. Họ quyết định lập chùa để thờ những tượng đất này. Tuy nhiên, vị hương chức đứng đầu làng đã không đồng ý và cho rằng đó đều là việc làm của trẻ con, không tin tượng đất lại có thể nổi. Để chứng minh, hương chức còn mang tám bức tượng Phật bằng đất đặt trên chiếc cầu bắc ngang hồ nước lớn ở cánh đồng trũng, sau đó rút dây cho rơi xuống nước. Và điều kỳ lạ lại xảy ra, cả tám pho tượng đều nổi. Hương chức tức giận bắt người lội xuống nước nhấn chìm các pho tượng một lúc lâu, nhưng sau đó tất cả vẫn nổi lên.

Sự kỳ lạ này buộc hương chức phải đồng ý cho người dân dựng chùa, từ đó sư Thiện Sử được tôn làm trụ trì đầu tiên. Vị trụ trì này vốn là mục đồng, nên người dân quyên tiền cho trụ trì đi tầm sư học đạo. Cũng từ đó, chùa có tên là Phật Nổi vì nơi đây thờ tám pho tượng Phật bằng đất luôn nổi trên mặt nước. Vào những năm thuộc chế độ phong kiến, người dân xung quanh vẫn thường đến chùa Phật Nổi để thờ tự tám bức tượng Phật này, cầu cho mưa thuận gió hòa, người dân vùng chiêm trũng no bụng ấm lưng.

Một trong ba pho tượng bằng đất nổi trên nước được thờ tại chùa Phước Lâm.

Nhà sư tham gia cách mạng

Nói về sự xê dịch và đổi tên của chùa, sự trụ trì Thiện Mẫn cho biết: "Trước đây, chùa Phước Lâm đích thực còn có tên gọi khác là chùa Phật Nổi, được thành lập từ những năm 20 của thế kỷ 18. Chùa nằm ở ấp Ràng. Tuy nhiên, từ năm 1963, chính quyền cũ dồn dân lập ấp chiến lược, chùa Phật Nổi là cái tên được đưa vào tầm ngắm đầu tiên vì là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, nên chính quyền cũ bắt chuyển chùa về ấp Trung Hòa, và đổi tên là chùa Phước Lâm”.

Video tham khảo:

Thếp vàng vào tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Trong ký ức của người dân địa phương, hiếm ngôi chùa nào các nhà sư đều là chiến sỹ cách mạng như ở chùa Phật Nổi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chùa là căn cứ cách mạng từ thời chống Pháp với nhiệm vụ che giấu cán bộ cách mạng, lập đồn bốt du kích. Các nhà sư đều tham gia cầm súng chống giặc. Tất cả từ sư trụ trì cho đến các đệ tử, phật tử đều tham gia cách mạng. Chính vì lẽ đó nên giặc Pháp thường xuyên đến đốt phá chùa và bắt sư vô cớ. Tuy nhiên, nhờ chùa sống trong lòng dân, được dân bao bọc, che chở nên bọn giặc cướp nước vẫn không thể làm hại được các nhà sư.

Tuy nhiên, khi hỏi đến những người già tại đây biết về câu chuyện Phật nổi, thì ai ai cũng cho rằng nhờ có Phật nổi đã bảo vệ dân, bảo vệ cách mạng. Trao đổi với cụ Trần Niệu (83 tuổi, ngụ tại xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho hay: "Vào những năm chiến tranh, cả làng chúng tôi ai cũng đi theo cách mạng. Khi đó, chùa Phật Nổi được xem là căn cứ địa cách mạng. Bọn giặc cũng biết vậy nhưng vẫn không làm gì được vì con em cách mạng đã được tám vị Phật nổi che chở, bảo vệ". Sau này, bọn giặc cứ nghĩ ấp Ràng là vùng đất thiêng, nên đã dồn các sư ở chùa Phật Nổi cũng như người dân xung quanh về khu vực khác.

Vào những năm 1963 - 1965, phong trào đấu tranh Phật giáo lên cao. Ngụy quyền Sài Gòn cho máy bay ném bom đánh sập chùa, sau đó sai lính đến dọn dẹp, cưỡng chế chùa dời về trong khu đất rộng 1.000m2 tại ấp Trung Hòa, đặt tên mới là chùa Phước Lâm.

Theo sư trụ trì cho biết: "Như sư phụ kể lại, ngày đó, chính quyền cũ không cho đem theo bất cứ tượng Phật nào. Họ nói đã có sẵn tượng ở chùa mới nhưng sư phụ không đồng ý, lén giấu nhiều tượng Phật, sau đó chuyển về chùa vào ban đêm. Ngày đó phải mất gần cả tháng trời, sư phụ mới chuyển hết các tượng Phật về đây, vì bọn giặc truy lùng rất gắt gao. Chúng theo sát từng bước chân của các tăng ni Phật tử ra vào chùa nên mọi hành động của chùa đều làm lén lút vào ban đêm. Vì thế, trong quá trình di chuyển cũng đã mất đi một số tượng Phật quý giá, trong đó có năm pho tượng Phật nổi quý giá nhất của chùa".

“Tượng Phật đặc biệt”

Trong quá trình di chuyển trong chiến tranh, tám pho tượng Phật bằng đất quý giá bị thất lạc nên đến nay chỉ còn lại ba pho tượng. Một pho tượng được trưng bày ở chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM). Pho tượng thứ hai được đem lên khu miếu ở ấp Ràng, nơi phát gốc của chùa để thờ tự, còn pho tượng thứ ba được thờ tại chùa Phước Lâm. Theo đó, hai pho tượng Phật bằng đất được trưng bày thờ ở chùa Phổ Quang và miếu thì vẫn nguyên vẹn. Còn pho tượng ở chùa Phước Lâm đã bị sứt mẻ phần đầu. Theo sư trụ trì, vì đây là tượng Phật đặc biệt nên rất khó tu sửa.

Tin nổi bật