Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kỳ án: Lệnh bắt được ký trước khi nghi phạm gây án?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Bị kết án tù 6 năm với tội danh “giết người”, phạm nhân Bạo Ngọc Tốt (SN 1966, dân tộc Tày) dù đã trả án được gần 5 năm nhưng vẫn tiếp tục làm đơn kêu oan.

(ĐSPL) - Bị kết án tù 6 năm với tội danh “giết người”, phạm nhân Bạo Ngọc Tốt (SN 1966, dân tộc Tày) dù đã trả án được gần 5 năm nhưng vẫn tiếp tục làm đơn kêu oan. 
Ngày 20/2 vừa qua, TAND tỉnh Hà Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm sau khi TAND tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại. Kết quả hội đồng xét xử tuyên Bạo Ngọc Tốt lãnh án 7 năm tù giam (thêm 1 năm so với bản án trước đó) , vẫn với tội danh “giết người”, mặc dù cơ quan điều tra không tìm thêm được chứng cứ buộc tội, cũng không làm rõ mâu thuẫn trong lời khai các nhân chứng.
Bị cáo Bạo Ngọc Tốt tại phiên xét xử ngày 20/2 vừa qua
Có lệnh bắt từ trước khi nghi phạm gây án?
Hồ sơ vụ án ghi nhận, khoảng tháng 12/2002, Bạo Ngọc Tốt (đã có vợ, sinh sống tại Lục Yên, Yên Bái) có quan hệ “ngoài luồng” với chị Tăng Thị Cọi (sinh 1978, thường trú huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Hai người sinh sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
Đến khoảng tháng 2/2005, Tốt và chị Cọi rủ nhau vào làm việc tại một khu công nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai. Khoảng ba năm sau, do Cọi không có việc làm nên đã trở về nhà tại Quang Bình, Hà Giang sinh sống. Riêng Tốt vẫn làm việc ở Đồng Nai, thỉnh thoảng có quay về thăm Cọi .
Theo cáo trạng, vào khoảng 23 giờ ngày 27/3/2009, Tốt đã nhìn thấy anh Nguyễn Ngọc Đường (SN 1967, trú cùng thôn với Cọi) đứng nói chuyện với Cọi trước nhà. Do ghen tuông, Bạo Ngọc Tốt dùng đèn pin soi đường đuổi theo và dùng hung khí có cạnh sắc chém liên tiếp vào người, đầu của anh Đường, hậu quả làm anh Đường bị thương vào vùng thái dương trái và phải, gãy hở 1/3 xương trụ tay trái với tỷ lệ thương tật 38\%.
Ngay sáng ngày 28/3/2009, công an huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) đã phối hợp với Công an xã Mai Sơn, Công an huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái “sau khoảng thời gian mật phục tại địa phương” đã ập vào nhà Bạo Ngọc Tốt, đọc lệnh bắt tạm giam nghi phạm.
Tại biên bản bắt giữ, cơ quan công an cũng ghi nhận lúc này Tốt đang nằm ngủ trên giường.
Điều đáng nói là biên bản bắt giữ không mô tả cụ thể thời gian bắt giữ, nơi đã mật phục. Lệnh bắt được ký trước một ngày (ngày 27/3/2009 – PV); trong khi vụ án xảy ra vào đêm ngày 27/3.
Gây án khi đang ngủ tại nhà?!
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, toà án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ nhiều lần để yêu cầu điều tra bổ sung, nhưng sau các lần trả hồ sơ cơ quan điều tra vẫn không làm rõ những chứng cứ theo yêu cầu của cấp xét xử.
Mặc dù nguyên tắc xét xử là “trọng chứng hơn trọng cung”, nhưng trong cáo trạng cũng như trong bản án hoàn toàn không đưa ra được các chứng cứ buộc tội thuyết phục mà chỉ dựa vào lời khai của bị hại và các nhân chứng.
Luật sư Vũ Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích: “Cơ quan điều tra đã không ghi lại được các dấu vết để lại hiện trường như dấu dép, khoảng cách các bước chân, hiện trường vụ án để lại nhiều vết máu xong không xác định các vết máu để lại có phải là máu người hay máu động vật? Khi thu giữ áo, dép của Bạo Ngọc Tốt, cơ quan điều tra cũng không xét nghiệm xem có các vết máu của nạn nhân để lại trên quần áo của anh Tốt hay không? Và nếu có thì nhóm máu gì, là máu của ai…? Công an không lấy dấu vân tay để lại trên chuôi phương tiện được coi là phương tiện gây án. Sau này, trong quá trình trả hồ sơ điều tra lại, cơ quan công an lại cho rằng “quá trình thu giữ đã lâu nên không xác định được dấu vết để lại trên vật chứng”.
Luật sư Nga, người nhận bảo vệ cho bị cáo Bạo Ngọc Tốt chỉ ra rằng ngay cả lời khai của các nhân chứng có những mâu thuẫn trầm trọng. Cụ thể: trong cáo trạng có nêu lúc Tốt chém Đường thì có Phạm Văn Ngàn và Tăng Thị Đáy nhìn thấy. Nhưng trong phiên tòa xét xử lần đầu tiên vào tháng 5/2011, Ngàn lại khai: “Trời tối nên Ngàn không nhận ra ai” mặc dù Ngàn chỉ đứng cách nơi xảy ra xô xát là 2m… Ngàn cũng khai: “chỉ biết (thủ phạm – PV) đó là ông Tốt qua ông Đường nói” .
Tăng Thị Cọi khai khi xảy ra vụ việc, Cọi đang ngủ thì nghe tiếng kêu có người bị chém. Nhưng trước đó, tại cơ quan điều tra, bị hại khai: “Thấy Cọi đứng ở cửa bếp, Đường đứng lại nói chuyện… sau đó Đường đi vào nhà Đơn, Chấm… thì bị chém.”
Khoảng cách giữa nhà Đơn, Chấm tới nhà Cọi khoảng 10m, chỉ vài bước chân, vậy mà Cọi đã ngủ được rồi thì thật là vô lý!
Luật sư Nga phân tích: “Trong khi các lời khai của nhân chứng toàn là họ hàng của bị hại được xem là căn cứ buộc tội, thì lời khai từ phía gia đình Bạo Ngọc Tốt có thể coi là chứng cứ ngoại phạm cho Tốt lại không được tòa xem xét. Vợ và con bị cáo khai rằng chồng mình ngủ ở nhà từ 16h chiều ngày hôm trước đến khi bị bắt vào sáng hôm sau. Bị cáo cũng khai hôm đó là ngày lễ “vun mả” của người Tày, sau khi uống rượu, bị cáo ngủ ở nhà từ chiều đến sáng hôm sau. Trong thời gian bị cáo bị tạm giam đến khi thành án thì bị cáo không được gặp người nhà nên chắc chắn không có chuyện thông cung. Từ nhà bị cáo đến nơi xảy ra vụ án là 20km, thế nhưng cơ quan điều tra không làm rõ bị cáo di chuyển bằng phương tiện gì, có ai nhìn thấy?”.
"Kịch bản" giống vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang
Sau khi TAND Hà Giang tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại vào tháng 5/2011, đến lúc tòa này đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 vào tháng 9/2011, các tình tiết quan trọng mang tính quyết định cho việc luận tội vẫn không được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, TAND Hà Giang vẫn cho rằng hành vi của Bạo Ngọc Tốt đã cấu thành tội "giết người" với tình tiết mang tính chất côn đồ.
Tuy nhiên, do phạm tội chưa đạt nên Tốt chỉ phải chịu mức án 6 năm tù giam.
Từ khi bị tạm giam cho đến các phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Bạo Ngọc Tốt không ký vào các bản cung nhận tội, liên tục kêu oan. Sau khi bị kết án ngày 30/9/2011, gia đình bị cáo đã làm đơn kháng cáo.
Ngày 25/7/2012, TAND tối cao tại Hà Nội đã tuyên trả hồ sơ vụ án "Giết người" do Bạo Ngọc Tốt phạm tội để điều tra lại và tiếp tục tạm giam bị cáo.
Hình ảnh phiên tòa xét xử Bạo Ngọc Tốt ngày 20/2 vừa qua
Ngày 20/2 vừa qua, TAND Bắc Giang xét xử sơ thẩm (lần 3) vụ Bạo Ngọc Tốt. Đáp lại sự mong mỏi được minh oan của bị cáo và gia đình, tòa tuyên bị cáo mức án 7 năm tù giam vẫn với tội danh… y nguyên như cũ.
Đã gần 5 năm từ khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra không điều tra để làm rõ những điểm mâu thuẫn mà Bản án của Tòa phúc thẩm đã đưa ra, nhưng tòa vẫn “khăng khăng” cáo buộc Bạo Ngọc Tốt tội danh “giết người”. Điều này chắc chắn không thể giúp bị cáo cũng như gia đình “tâm phục khẩu phục”.
Luật sư Vũ Thị Nga cho biết bà sẽ giúp gia đình kháng cáo vụ án nhằm minh oan cho Bạo Ngọc Tốt. Theo bà Nga, với việc buộc tội nhưng chứng cứ yếu, lời khai các nhân chứng mâu thuẫn, đây có thể là một án oan tương tự "kịch bản" vụ án oan 10 năm với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.

Điều 18, Bộ Luật hình sự: Phạm tội chưa đạt

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Điều 52, Bộ Luật hình sự: Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Điều 93. Tội giết người 

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

n) Có tính chất côn đồ;

Phương Phương
Xem thêm Clip: Người tù oan Nguyễn Thanh Chấn đặt quyết định minh oan lên bàn thờ tổ tiên

Tin nổi bật