PGS.TS Tôn Thất Đại vốn là một KTS có tiếng nhưng lại có nhiều niềm đam mê nghệ thuật. Ông không những dạy học và thiết kế, vẽ công trình, vẽ ký họa mà còn chơi đàn ghita, piano, sáng tác nhạc. Ông là người Việt Nam đầu tiên được giảng dạy tại khoa Âm nhạc dân tộc cổ truyền ở Angola.
Cơ duyên bước chân vào "lâu đài nghệ thuật"
Đang hành nghề kiến trúc ở Việt Nam, thập niên 80 thế kỷ trước ông Tôn Đại nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn Angola giảng dạy môn Lịch sử kiến trúc tại trường đại học Kỹ thuật Luanda, thuộc đại học Quốc gia Luanda. Là một chuyên gia kiến trúc nhưng ông có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc.
PGS.TS Tôn Thất Đại không chỉ nổi danh là kiến trúc sư mà còn là một giáo sư âm nhạc dân tộc Angola. |
Ngay từ nhỏ, Tôn Đại đã được tiếp xúc và học chơi đàn ghita, đàn piano với các thầy dạy tư ở phố Hàng Quạt. Thời sinh viên, ông tham gia cuộc thi sáng tác bài hát của Đài tiếng nói Việt Nam với chủ đề Ca khúc mùa Xuân và đạt giải Ba. Thời gian ấy, ông cùng các nghệ sĩ nổi danh chơi đàn cho Đài tiếng nói Việt Nam và được thu đĩa, một thời bán khá chạy.
Khi sang Angola, ngoài giờ giảng dạy và vẽ công trình, ông thường mượn đàn ghita để giải khuây. Chơi đàn một mình mãi cũng chán, ông đi dạo các con phố ở Luanda, tình cờ gặp được một nhóm hát rong gồm hai chàng trai và một cô gái đang ngồi hát dân ca. Ông kiên trì ngồi bên họ lắng nghe những bài dân ca tuyệt vời đó không chán.
Tôn Đại nhanh chóng kết thân với nhóm hát rong này và ghi lại những lời hát dân ca của những người thiểu số bản địa bằng những ký hiệu âm nhạc. Rồi ông sưu tầm những bài dân ca của Angola, chọn những bài hát hay và biên soạn thành sách. Hai quyển sách nhạc dân ca của tác giả Tôn Đại ra mắt và trưng bày ở một buổi hòa nhạc lớn diễn ra ở Thủ đô Luanda.
Buổi hòa nhạc thu hút được nhiều quan chức địa phương và nhiều nghệ sĩ nổi danh. Trong buổi hòa nhạc đó, ông là nhạc công ghita của nhóm và biểu diễn một màn độc tấu ghita.
Giáo sư khoa Âm nhạc dân tộc tại Angola
Sau buổi hòa nhạc, Nhạc viện Quốc gia Angola (Academia de Musica de Angola) thấy Tôn Đại là nhà soạn nhạc có tài và chơi nhạc rất chuyên nghiệp nên đã mời ông giảng dạy. Cứ buổi nào ông không có giờ dạy ở trường đại học Kỹ thuật thì ông lại sang dạy tại Nhạc viện Quốc gia.
Hình ảnh nghệ sĩ Tôn Đại trong buổi biểu diễn ghita tại Luanda năm 1997. |
Khi phát hiện ra tài năng và niềm đam mê của Tôn Đại, các quan chức địa phương tại Angola thật sự phấn khởi vui mừng. Bởi lẽ sau 400 năm bị Bồ Đào Nha đô hộ, ngoài các giáo sĩ ra chưa từng có một ai quan tâm đến âm nhạc cổ truyền của dân tộc Angola. Và đây là lần đầu tiên có một vị giáo sư không những sưu tầm vốn quý âm nhạc đó, mà còn biến tấu thành những bản nhạc ghita không lời. Điều đặc biệt hơn nữa, vị giáo sư này là người Việt Nam. Vì thế đối với nước bạn, điều này thật đáng trân trọng.
Tuy nhiên, để được vào dạy tại Nhạc viện Quốc gia, Tôn Đại cũng gặp một số trở ngại nho nhỏ. Nhạc viện Quốc gia yêu cầu các giáo sư phải nộp bằng tốt nghiệp nhạc viện, nhưng ông lại chỉ hoàn toàn là tự học đàn ghita. Trong khi đó, những giáo sư âm nhạc giảng dạy tại đây đều có những tấm bằng của các nhạc viện danh tiếng. May mắn thay, bạn bè ở Đại sứ quán Việt Nam đã giúp đỡ ông.
Sau mọi thỏa thuận rằng chỉ cần có một chứng nhận của Đại sứ quán về việc ông đã từng dạy đàn ở Hà Nội, ông đã được nhận vào dạy ở Nhạc viện Quốc gia của Angola. Khi đó, mức lương ông nhận được là 2.000 USD/tháng.
Nhiều sinh viên học viện hát rất hay, chơi đàn rất giỏi, nhưng thiếu sót của họ lại là ít quan tâm và kém về nhạc lý. Tôn Đại đã nhận ra điều này và giảng dạy tâm huyết cho sinh viên khoa Âm nhạc dân tộc tại đây.
Những sinh viên Nhạc viện Quốc gia Angola được học ông sau này đều trưởng thành khá tốt, trong đó có hai người bạn trai trong nhóm hát rong trước đây. Có thể nói, PGS. TS Tôn Đại là người Việt Nam sáng lập ra khoa Âm nhạc dân tộc Angola tại Nhạc viện Quốc gia Angola.
Thái Phương
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (18)