Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kiến nghị dừng tuyển sinh một số ngành Học viện Quản lý Giáo dục

(DS&PL) -

Thanh tra bộ GD&ĐT đã kiến nghị dừng tuyển sinh một số ngành đồng thời yêu cầu Học viện Quản lý Giáo dục khắc phục hậu quả của hàng loạt sai phạm trong thời gian vừa qua.

Thanh tra bộ GD&ĐT đã có thông báo kết luận thanh tra đột xuất Học viện Quản lý Giáo dục. Kết luận bao gồm nhiều nội dung, như về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; về công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học…, theo Thanh Niên.

Những sai phạm của Học viện Quản lý Giáo dục

Trong năm 2019 và 2020, Học viện Quản lý Giáo dục chưa thực hiện xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT tại Công văn số 1697/BGDĐT-GDĐH ngày 27/4/2018. Năm 2020, học viện tuyển sinh vượt 132 chỉ tiêu trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Anh. Từ năm 2020 đến nay, không thực hiện cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT.

Từ năm 2018 đến tháng 9/2021, học viện không ban hành quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học; không tổ chức lựa chọn và duyệt giáo trình theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT; có 2/4 giáo trình đã quá thời hạn nghiệm thu nhưng không được lãnh đạo học viện đôn đốc, nhắc nhở. Học viện không báo cáo về việc phối hợp đặt lớp đào tạo trình độ đại học đối với các đơn vị: Trường ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐHSP - Đại học Thái Nguyên.

Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: Thanh Niên.

Về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, học viện chưa kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2021 theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra bộ GD&ĐT đối với hành vi tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2020 vượt chỉ tiêu.

Năm 2018 và 2019, Học viện không biên soạn giáo trình của trình độ thạc sĩ; Thành lập hội đồng đánh giá luận văn chưa bảo đảm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT. Từ năm 2018 đến tháng 12/2019, học viện không ban hành quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ; không thực hiện rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT.

Về các điều kiện bảo đảm ngành và duy trì ngành đào tạo, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, theo kết luận của thanh tra, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ đại học lưu trữ chưa khoa học, chưa đầy đủ.

Giảng viên có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa thực hiện công nhận văn bằng. Thực hiện mở ngành Quản trị văn phòng khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu, không có tiến sĩ cùng ngành, có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành Luật, không bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.

Thực hiện mở ngành Luật khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu, có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành Quản trị văn phòng, không bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT. Ngành CNTT đào tạo trình độ đại học của học viện chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ bảo đảm điều kiện duy trì ngành theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT. Ngành CNTT và Tâm lý học lâm sàng đào tạo trình độ thạc sĩ chưa đáp ứng điều kiện duy trì ngành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT.

Công tác in, quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ thực hiện nhiều sai phạm như: Học viện không kịp thời ban hành Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ. Không báo cáo về việc lưu trữ, hủy bỏ số phôi tồn của trình độ đại học được mua từ Bộ GDĐT trong giai đoạn trước năm 2019; không thực hiện hủy văn bằng hỏng trình độ đại học.

Về chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản: Học viện không thực hiện hủy phôi tồn chứng chỉ từ năm 2018, 2019; Sổ gốc cấp chứng chỉ không đúng mẫu quy định tại Phụ lục VI Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT; cho học viên ký nhận thay chứng chỉ khi không có ủy quyền, chưa bảo đảm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT; có nhiều chữ ký nhận chứng chỉ không ghi rõ họ tên.

Ngoài ra, Thanh tra bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của Học viện Quản lý Giáo dục về tổ chức bộ máy nhân sự, quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021.

Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chưa ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo Quy chế tổ chức và hoạt động; văn bản về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc của giảng viên không phù hợp các quy định của Luật Viên chức 2010, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ; chưa thực hiện đầy đủ quy định của Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Học viện khi ban hành và triển khai Kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định Luật PCTN; Quyết định số 186/QĐ-HVQLGD ngày 25/3/2019 ban hành về Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên không còn phù hợp.

Thành lập hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2018 không đúng quy định khoản 3 Điều 3 Thông tư 15. Quyết định phê duyệt quy hoạch Giám đốc, Phó Giám đốc và quá trình thực hiện không có nội dung về rà soát là chưa đúng quy định. Chưa có nguồn quy hoạch từ bên ngoài để đáp ứng nguyên tắc quy hoạch mở; chưa rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch đối với các nhân sự không còn đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đối với quy hoạch cấp Trưởng/Phó trưởng các đơn vị trực thuộc; danh sách quy hoạch năm 2019 còn có nhân sự trùng với danh sách quy hoạch năm 2017.

Chậm thanh toán tiền dạy cho giảng viên hình thức trực tiếp tại một số địa phương; từ năm 2018 đến nay chưa chi trả tiền giảng dạy cho giảng viên đào tạo tiến sĩ theo quy định của bộ luật lao động 2019; chi giờ giảng sau đại học cho một số giảng viên khi chưa bảo đảm định mức giờ chuẩn trong năm theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT. Chi phụ cấp ưu đãi (40-45%) cho 124 lượt giảng viên khi không xác định được giờ giảng của giảng viên là không đúng quy định theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.

Việc thanh toán chi vượt giờ cho giảng viên còn chậm, muộn và giảng viên vượt giờ nhiều so với quy định của bộ luật lao động 2019. Tiếp nhận, tự thực hiện khoản viện trợ 121.150 bảng Anh từ Đại học QUB là không đúng với quy định theo khoản 2, Điều 3, Thông tư số 225/2010/TT-BTC.

Khắc phục theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người học

Ngày 19/1, bộ GD&ĐT đã có văn bản về việc dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ không đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đối với Học viện Quản lý giáo dục; ngày 24/1, Chánh Thanh tra bộ đã ký quyết định về việc phạt tiền 110 triệu đồng về việc mở ngành không đủ điều kiện.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu Học viện Quản lý Giáo dục khắc phục hậu quả của hàng loạt sai phạm trong thời gian vừa qua.

Học viện phải rà soát 124 lượt giảng viên (trong đó có các trường hợp đã được phản ánh ở bài trước là ông Phạm Quang Trung, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, ông Trần Hữu Hoan, ông Phạm Ngọc Trúc, bà Phạm Thùy Thu) để xác định rõ số người không dạy đủ số tiết chuẩn hoặc không đứng lớp theo quy định để thực hiện truy thu nộp ngân sách hoặc khấu trừ đối với những trường hợp chi không đúng quy định.

Học viên phải rà soát, thu hồi số tiền chi chưa đúng quy định đối với một số giảng viên được chi giờ giảng sau đại học chưa bảo đảm định mức giờ chuẩn (số tiền 191,5 triệu đồng) theo thông báo của Kiểm toán Nhà nước năm 2020.

Đồng thời, học viện phải báo cáo Bộ trưởng việc tiếp nhận, thực hiện khoản viện trợ 121.150 bảng Anh từ Đại học QUB theo đúng quy định của Bộ Tài chính và quy định liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí.

Thanh tra bộ cũng đề xuất Vụ Giáo dục Đại học tham mưu bộ trưởng xem xét chủ trương về việc có hay không tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm chỉ tiêu đào tạo đại học tiến tới dừng tuyển sinh trình độ đại học để tập trung vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sau đại học của học viện.

Đối với học viện, thanh tra yêu cầu hội đồng học viện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm và xem xét kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền đối với giám đốc học viện, phó giám đốc học viện và các cá nhân liên quan đến hạn chế, thiếu sót, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Giám đốc học viện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm và xem xét kỷ luật theo thẩm quyền đối với trưởng, phó các đơn vị: phòng Tổ chức cán bộ, phòng Kế hoạch - Tài chính, phòng Quản trị thiết bị, phòng Quản lý đào tạo, phòng Đào tạo sau đại học, phòng Quản lý khoa học, phòng Thanh tra - Pháp chế, phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục, văn phòng Học viện, trưởng tiểu ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chương trình ETEP, các trung tâm, viện và các đơn vị, cá nhân liên quan trách nhiệm đến hạn chế, thiếu sót, sai phạm nêu tại kết luận thanh tra.

Để chấn chỉnh công tác quản lý và khắc phục hậu quả những sai phạm về đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Quản lý Giáo dục, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị học viện khẩn trương cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định về quản lý tuyển sinh, đào tạo, văn bằng chứng chỉ và thanh tra, kiểm tra theo quy định hiện hành.

Học viện cần nghiêm túc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2021 theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra bộ đối với hành vi tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2020 vượt chỉ tiêu.

Căn cứ vào số lượng sinh viên, học viên đã tuyển vượt, học viện xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm tiếp theo bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo; thực hiện thông báo tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo các trình độ theo đúng quy định, theo Tiền Phong.

Linh Chi (T/h)

Tin nổi bật