Dù chưa đi xác minh được nguồn gốc của cây, Hạt Kiểm lâm đã cho cắt khúc phần rễ, gốc cây cà te để đo đạc khối lượng.
Chiều ngày 7/7, trao đổi với PV Lao Động, ông Y Te BKrông – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang thoả thuận tìm hướng giải quyết cùng ông Lý Ngọc Mận (trú thôn 9, xã Hoà Lễ, huyện Krông Bông) - chủ nhân cây gỗ cà te trước đó bị cán bộ kiểm lâm bắt giữ, cắt khúc… vì nghi vận chuyển gỗ trái phép.
Lý giải về hành động cưa cây gỗ nghi tan vật, ông Y Te nói: “Sau khi bắt giữ tang vật, do đất đá dính và rễ nhiều nên đơn vị không thể đo đếm. Lực lượng kiểm lâm chỉ cưa phần rễ để dễ đo đếm.
"Quá trình xác minh cho thấy, cây cà te này là cây gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên vườn nhà dân, chứ không phải cây cảnh. Theo quy định, cây cà te này thuộc nhóm IIA, không được khai thác, không được vận chuyển. Việc xã xác nhận ông Tân cho anh Mận cây cà te này là sai. Vì xe và cây bị bắt ngày 20/6 nhưng ngày 25/6 xã mới xác nhận" - ông Y Te giải thích.
Cây gỗ cà te trước khi bị cắt khúc để đo khối lượng. Ảnh: Dân Trí |
Trước đó, chiều ngày 20/6, Đội CSGT Công an huyện Krông Bông bắt giữ được chiếc xe tải mang BKS 47C-178.49 đang vận chuyển một cây gỗ cà te. Qua kiểm tra, tài xế chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến cây gỗ nói trên, lực lượng kiểm lâm đã tạm giữ chiếc xe và cây gỗ.
Sau đó, dù chưa đi xác minh được nguồn gốc của cây, Hạt Kiểm lâm đã cho cắt khúc phần rễ, gốc cây cà tê để đo đạc khối lượng.
Theo tìm hiểu, cây gỗ thuộc nhóm IIA này đã được UBND xã Hoà Lễ xác nhận là cây gỗ trồng trong vườn của ông Lê Viết Tân (ngụ tại thôn 7, xã Hoà Lễ), chứ không phải gỗ khai thác trái phép ở rừng.
Chia sẻ với Dân Trí, bà Lê Thị Thùy Linh (vợ ông Tân) cho biết, vào 9 năm trước vợ chồng bà có mua lại miếng đất này của người khác và lúc đó trên đất đã có cây cà te này. “Thời gian gần đây, quả cây cà te thường xuyên rớt xuống làm hư mái tôn của hàng xóm. Hơn nữa, rễ cây cà te ngày càng ăn sâu vào móng nhà bên cạnh, gia đình tôi sợ gây nguy hiểm cho mọi người nên đã cho người ta mang về trồng”, bà Linh cho hay.
Người được gia đình ông Tân cho cây là anh Lý Ngọc Mận (ngụ thôn 9, xã Hòa Lễ). Sau đó, ông Mận đã thuê người tới vận chuyển cây về nhà mình, khi xe đi ngang thị trấn Krông Kmar tìm nơi để sửa chữa thì bị tạm giữ.
“Đây là cây gỗ có nguồn gốc trồng trong vườn từ nhỏ, tôi thuê vận chuyển để đưa về vườn nhà trồng chơi cây cảnh chứ không để cắt khúc lấy gỗ. Hạt Kiểm lâm Krông Bông đã tự ý cắt cây mà không thông báo cho tôi là sai quy định pháp luật”, ông Mận nói.
Được biết, cũng liên quan đến vụ việc, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho rằng không có quy định nào cho phép được cắt gỗ khi chưa xác minh rõ nguồn gốc.
Nguyễn Phượng (T/h)