Theo cơ quan điều tra, khối lượng giao dịch của mỗi lệnh mua, bán được tính bằng "lot" (khối lượng), mỗi "lot" có giá trị đến 100.000 USD, khách hàng có thể giao dịch tối đa đến 1 triệu USD.
Một con số khổng lồ với những người "ngoại đạo", nhưng chẳng có gì bất ngờ với "dân trong nghề". Nhiều năm sau khi hoạt động này bị "cấm cửa", câu chuyện hậu sàn vàng chưa bao giờ lặng sóng. Đã có hàng nghìn "con mồi" cắn câu và không ít tiền của bay đi theo gió...
“Ăn đậm” nên “chết đau”
Ngay sau khi sàn vàng "chui" VGX bị đánh sập, nguồn tin tức của PV báo ĐS&PL cho biết, cơ quan chức năng tiếp tục phá thêm ba cơ sở kinh doanh tiến hành huy động vốn với lãi suất khủng liên quan đến hoạt động đầu tư vàng trái phép.
Nguồn tin tiết lộ, C50 phối hợp cùng C45 đã tiến hành bắt khẩn cấp Tổng Giám đốc công ty TNHH Tư vấn - Đầu tư Khải Thái và 5 nhân viên, đồng thời tiến hành khám xét ba địa điểm của công ty này tại tầng 18, phòng 3, toà nhà Charmvit (117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội); tại tầng 11, tòa nhà PLASCHEM (562 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) và tại tầng 18, tòa nhà Lotte (54 Liễu Giai, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội).
Sàn vàng trái phép VGX (Hà Nội) vừa bị cơ quan công an đánh sập. |
Quan kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục tỉ đồng tiền mặt, nhiêu tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc kinh doanh trái phép và huy động vốn với lãi suất "khủng". Cơ quan điều tra cũng xác định có năm người liên quan trong vụ việc này và đã triệu tập về trụ sở để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, công ty Khải Thái đã tiến hành tổ chức huy động vốn trong dân theo hình thức ủy thác với lãi suất 3\%/tháng và đã vi phạm pháp luật.
Cho đến thời điểm hiện tại, công ty đã huy động được khoảng 2.000 tài khoản ủy thác đầu tư với số tiền trên 200 tỉ đồng. Theo ước tính, mỗi tháng thu gom được khoảng 20 tỉ đồng. Số tiền trên hầu hết đều được chuyển ra nước ngoài.
Giao dịch của công ty này lên đến hàng chục tỉ đồng trong vài tháng. Hiện tại, hồ sơ của vụ việc đang được C45 thụ lý.
Trước đó, trong chiến công đánh sập sàn vàng VGX, nguồn tin của PV báo ĐS&PL cũng cho biết, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai "quả đấm thép" của lực lượng công an, gồm C50 và C45, bộ Công an.
Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp Vũ Đức Hiếu (trú tại đường Láng, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội; giữ chức Tổng Giám đốc VGX) và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (trú tại đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; kế toán trưởng của công ty) về hành vi kinh doanh trái phép. Quá trình khám xét, lực lượng hữu trách đã thu giữ nhiều tài liệu, dữ liệu trong máy tính thể hiện các giao dịch kinh doanh sàn vàng trái phép với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Trao đổi với PV, cơ quan điều tra cho biết, cách thức hoạt động của VGX giống như mô hình các công ty đang kinh doanh sàn vàng "chui" hiện nay. Nhân viên tư vấn sẽ hỗ trợ 24/24h thông qua gặp mặt trực tiếp, chat Yahoo, Skype, điện thoại...
Khi nhà đầu tư gật đầu, nhân viên tư vấn sẽ hướng dẫn người chơi tạo một tài khoản trực tuyến trên website http://vgx.vn với các thông tin đăng ký cụ thể. Việc đăng ký tương đối đơn giản để đảm bảo cho khách hàng được thực hiện dễ dàng nhất. Sau khi đăng ký thành công, tên tài khoản, số hợp đồng... sẽ được gửi vào email đăng ký của nhà đầu tư để họ "check" (kiểm tra) lại.
Tiếp đó, nhà đầu tư sẽ được hướng dẫn tải phần mềm VGX MT4 trực tiếp từ website của công ty dùng để giao dịch đặt lệnh mua, bán trên các sàn giao dịch vàng và ngoại tệ trên thế giới... giao dịch thành công, các nhân viên công ty được hưởng phần trăm đại lý.
Dù việc đăng ký không mấy khó khăn nhưng một trong những luật bất thành văn để tham gia cuộc chơi là nhà đầu tư phải nộp trước một khoản tiền ký quỹ tối thiểu 100 USD vào tài khoản ngân hàng của công ty (không hạn chế mức tối đa). Lệnh mua - bán được tính bằng "lot" (1 "lot" tương đương 100.000 USD), giao dịch tối thiểu là 0,01 "lot"/lệnh (1.000 USD) và tối đa là 10 "lot"/lệnh. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch vàng theo hướng dẫn của phần mềm MT4.
Một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận là không phải đến khi các sàn vàng này bị đánh sập người ta mới biết đến mặt trái đớn đau của hoạt động kinh doanh trên. Đã có quá nhiều bài học nhãn tiền từ việc hút theo những cuộc chơi trên thế giới ảo dẫn đến tiền mất tật mang.
Thời điểm tháng 9/2012, cơ quan CSĐT (Công an TP. Hà Nội) đã tiếp nhận đơn của bà Vũ Thị Thuận (TP. Hạ Long, Quảng Ninh), tố cáo một công ty tại Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) lừa đảo chiếm đoạt của bà số tiền gần 25 tỉ đồng.
Trong đơn bà Thuận cho biết, vào ngày 05/11/2010, bà ký hợp đồng mua bán hàng hóa, thực chất là mua bán vàng qua mạng với công ty nói trên. Sau khi ký hợp đồng, bà đã chuyển số tiền gần 25 tỉ đồng cho công ty, thế nhưng đến khi bà cần rút tiền ra, thì phát hiện công ty đã đóng cửa, ban lãnh đạo đã trốn biệt tăm.
Điếc không sợ súng!
Dù chính thức bị cấm từ năm 2010 nhưng trên thực tế, nhiều sàn vàng "chui" vẫn ngang nhiên hoạt động, dưới danh nghĩa các công ty tư vấn, môi giới hay ủy thác đầu tư. Nhiều thư điện tử vẫn được công khai gửi tới email của các nhà đầu tư để "mời chào"...
Cách đây không lâu, báo ĐS&PL cũng từng đăng tải nhiều bài viết phản ánh về những cơn sóng ngầm trong hoạt động kinh doanh vàng tài khoản và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo tìm hiểu của PV, dù bị cấm nhưng tại các thành phố lớn, vẫn có không ít những công ty tiếp tục lôi kéo nhà đầu tư vàng qua sàn. Các công ty này tung "chuyên viên" hay nói chính xác là "cò mồi" nắm bắt thông tin của khách hàng từ sàn chứng khoán.
Những nhà đầu tư chứng khoán còn nhiều tiền trong tài khoản chưa tiếp tục tham gia thị trường do còn nghe ngóng những "con sóng" liền được "cò" tiếp cận. Cái giỏi và cũng có phần khó hiểu là "cò sàn vàng" nắm được thông tin tài chính của khách hàng khá chính xác nên thường chọn lựa những "gà bự" để... thuyết khách.
Cũng chính vì kinh doanh trái phép, nên những vụ nhà đầu tư bị chủ sàn lừa hoặc "cướp" tiền bằng các thủ đoạn tinh vi, đã không đến "tai" cơ quan chức năng. Thế nên, nguy cơ những vụ gom tiền tỉ của dân rồi bỏ trốn ra nước ngoài, những vụ đâm chém nhau để đòi nợ đã và đang hiển hiện ngay trước mắt.
Nhận định về hiện tượng này, LS Đỗ Toàn Thắng, (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Mặc dù nhiều nhà đầu tư "chết" trên sàn vàng nhưng về mặt pháp lý, họ cũng đang làm trái với quy định của pháp luật".
Luật sư Thắng dẫn quy định tại khoản 4, Điều 3 và khoản 9, Điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các hoạt động kinh doanh này là thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.
Theo đó, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
Từ thực tế này, LS Đỗ Toàn Thắng nhấn mạnh, việc điều tiết sàn vàng có các cơ quan trực tiếp như Ngân hàng Nhà nước, quản lý thị trường, công an kinh tế... Quy định xử phạt khi có vi phạm đã tương đối rõ ràng.
"Từ thực tế đó, tôi nghĩ các cơ quan này cần có sự phối hợp, hành động dứt điểm, đúng vị trí để giải quyết vấn đề này. Các cơ quan trên cùng hành động sẽ có thể ngăn chặn sự bùng phát của sàn vàng "chui" tránh được sự rủi ro cho người dân", LS Thắng nhấn mạnh.
Hàng nghìn tỉ đồng có thể bị... mất trắng
Trong một diễn biến liên quan, cơ quan điều tra cũng nhận định, hiện nay trên mạng Internet tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 30-40 đơn vị kinh doanh vàng, ngoại tệ thông qua tài khoản. Giao dịch của các đơn vị kinh doanh này lên đến hàng nghìn tỉ đồng với hàng nghìn người tham gia.
Toàn bộ lượng tiền được huy động vào các kênh kinh doanh này đều không có sự quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, gây mất ổn định dòng tiền và thất thu thuế. Ngoài ra, các cá nhân đầu tư kinh doanh ở các sàn giao dịch cũ có thể bị mất trắng khi có những vấn đề không lường được trước trong giao dịch.
"Dụ" người chơi bằng chiêu "thả mồi bắt bóng"
Tương tự như kịch bản mà công ty VGX áp dụng, theo tìm hiểu của PV, một trong những thủ đoạn được các "sàn vàng chui" sử dụng để "dụ" người chơi chính là cách "thả mồi bắt bóng". Người chơi thường được "thả" cho thắng những lần đầu để kích thích, sau khi "say máu", nhà đầu tư cảm giác "dễ ăn đậm" nên "đu" theo cuộc chơi một cách mải miết.
Thế nhưng, thay vì thắng lớn, kết cục thường là bị thua đến "cháy khét" tài khoản, dẫn đến nợ nần chồng chất. Ngay trong vụ triệt phá sàn vàng VGX, Cơ quan điều tra xác định, có khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản giao dịch tại đây với tổng giá trị giao dịch hơn 110 tỉ đồng.