Trước tình trạng thuốc điều trị cúm Tamiflu khan hàng, tăng giá, trao đổi với PV ĐS&PL, ông Châu Thanh Tú, Dược sĩ trưởng Hội đồng chuyên môn dược, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cho biết, trước tình hình dịch cúm đang gia tăng, nhu cầu khách hàng mua thuốc Tamiflu đợt này có gia tăng gấp 7 lần so với ngày thường. Giá bán ra Tamiflu vẫn bình ổn so với trước 520.000 đồng/hộp 10 viên. Chính vì thế nguồn cung tại đơn vị hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu của khách hàng.
“Chúng tôi vẫn đang liên tục làm việc với nhà sản xuất và nhà phân phối để có thêm nguồn cung kịp thời phục vụ khách hàng, vậy nên khách hàng không nên mua tích trữ số lượng lớn, ảnh hưởng đến cơ hội điều trị của các bệnh nhân khác. Chúng tôi luôn chủ động và cam kết bình ổn giá thuốc, mang đến cho người dân thuốc tốt với giá hợp lý”, ông Tú cho hay.
Nhiều người có tình trạng tích trữ thuốc Tamiflu điều trị cảm cúm
Ngoài ra, vị dược sĩ cho biết thêm, các nhà thuốc kinh doanh Tamiflu (Oseltamivir) đều phải bán theo đơn của bác sĩ kê và vẫn kiểm soát xuất nhập tồn theo đúng quy định của Bộ Y Tế. Người dân chỉ mua thuốc sau khi được thăm khám và kê đơn, trong khi bác sĩ phải kê đúng thuốc, đúng bệnh, không thừa cho đợt điều trị.
Chính vì thế ông Tú cho rằng, việc tích trữ thuốc Tamiflu là không nên. Bởi, trước tiên, nên nghĩ là làm sao để mình không phải dùng thuốc Tamiflu (Oseltamivir) sẽ tốt hơn. Ví dụ như cần tiêm chủng cúm hàng năm, áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho mình và người khác theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.
Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc Tamiflu cũng giống như trước kia dịch COVID-19 một số người dân mình lạm dụng thuốc Molnupiravir mà không tham khảo ý kiến hay có sự kê đơn của bác sĩ dễ phải tác dụng không mong muốn và cả tác dụng phụ.
“Dùng không đúng thời điểm bệnh, không đúng đối tượng được phép sử dụng: trẻ quá nhỏ mà không chọn dạng dùng hay hướng dẫn sử dụng phù hợp; một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người suy gan, suy thận phải hết sức thận trọng”, ông Tú lưu ý.
Lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn
Ngoài ra, để phòng ngừa cúm chúng ta có thể thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Mang khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Vậy để biết khi nào bệnh nhân thực sự cần dùng thuốc Tamiflu (Oseltamivir) thì nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế. Họ sẽ cho test, xét nghiệm máu,… và cân nhắc sử dụng thuốc cho phù hợp. Thường chỉ dùng trong trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.
Đa phần bệnh cúm thường tự khỏi sau 5-7 ngày, có trường hợp lâu hơn 1-2 tuần tùy theo sức đề kháng của mỗi người.
Theo đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế các hành vi lợi dụng, tăng giá bán nhằm trục lợi sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 với số tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với cá nhân; đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp 2 lần theo quy đinh tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này; Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 87/2024/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm này còn bị buộc phải khắc phục hậu quả, cụ thể, phải trả lại cho khách hàng số tiền đã thu lợi từ hành vi vi phạm hành chính.