Những ngày qua, cúm A luôn là chủ đề nóng trên tất cả diễn đàn mạng xã hội. Kéo theo đó, nhiều người cũng đổ xô mua thuốc Tamiflu (loại thuốc được thần thánh hóa trong việc điều trị cúm A), khiến loại thuốc này khan hàng.
Khảo sát của PV ĐS&PL tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, trung bình giá Tamiflu có giá từ 50.000-69.000/viên.
Thuốc Tamiflu loạn giá, khan hàng khi cúm A "nóng" lên
Một nhân viên bán thuốc trên đường Hồ Tùng Mậu tiết lộ, hiện tại mặt hàng này đang cháy hàng, nhiều người tìm kiếm mua không được, thậm chí bị hét giá vô cùng cao.
“Nhà em không tăng giá, một viên vẫn bán 50.000 đồng, những nơi khác đang bán tận 80.000 đồng/viên”, người này tiết lộ.
Trên các trang mạng xã hội, hoạt động mua bán Tamiflu lại vô cùng sôi nổi, từ người bán đến người mua liên tục cập nhật bài viết cần thuốc. Có những chủ thương liên tục đăng bài mua 10 hộp/lần để bán.
Theo ghi nhận, có 2 loại thuốc Tamiflu được bán phổ biến nhất, được người bán gọi với tên lóng "hàng công ty" và "hàng Pháp".
Trên các hội nhóm, hoạt động mua bán thuốc tamiflu sôi nổi. Ảnh chụp màn hình
Chị Đàm Thị Oanh (32 tuổi, tại Mê Linh, Hà Nội) đứng ngồi không yên, khi có con trai chỉ mới 6 tháng tuổi mắc cúm A đã hơn 10 ngày qua.
Chị Oanh chia sẻ, hơn 10 ngày trước, con chị có biểu hiện ho và sốt liên tục trên 39 độ 3 ngày không khỏi. Cứ ngỡ con mọc răng, thế nhưng sốt nhiều ngày không dứt. Chị cùng gia đình liền đưa con đến bệnh viện, xét nghiệm kết quả con mắc cúm A. Con trai chị Oanh được chỉ định nằm viện điều trị hơn 1 tuần thì được xuất viện.
Thế nhưng về nhà, các triệu chứng quấy khóc, ho vẫn không dứt, tham khảo đơn thuốc và từ các mẹ bỉm sữa, chị Oanh liền ra hiệu thuốc mua Tamiflu, mong con nhanh chóng khỏi bệnh.
“Tôi mua 1 vỉ ở nhà thuốc Long Châu với giá 690.000 đồng/10 viên, vừa điều trị cho con, vừa dự phòng nếu người trong gia đình mắc cúm thì có thể dùng ngay”, chị Oanh chia sẻ.
Hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.
"Sử dụng tamiflu không đúng cách, cũng sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc (giống như vi khuẩn). Việc lạm dụng tamiflu có thể gia tăng sự xuất hiện virus kháng thuốc, sẽ làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng. Điều này sẽ càng nguy hiểm khi thuốc trị cúm còn rất hạn chế", Bộ Y tế lưu ý.
BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Không phải bất kỳ trường hợp nhiễm cúm nào cũng điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu như Tamiflu.
BS Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Những trường hợp có nguy cơ tiến triển nặng cao, bác sĩ mới xem xét việc sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu để giảm nguy cơ tiến triển thành nặng. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giúp làm giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn nhiễm cấp tính của bệnh nhân. Bên cạnh đó, theo dõi và phát hiện những dấu hiệu nặng và nguy cơ tiến triển nặng để cho bệnh nhân nhập viện thăm khám kịp thời.
"Người dân có dấu hiệu nghi ngờ cúm như: sốt, chảy nước mũi, đau họng, khàn giọng... đặc biệt là sau khi có phơi nhiễm virus cúm, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm xét nghiệm khẳng định. Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp", BS Thiệu cho hay.