Phần lớn những ca nhiễm mới ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đều có liên quan đến khu chợ đầu mối Tân Phát Địa, làm dấy lên mối lo ngại làn sóng bùng phát dịch bệnh thứ 2.
Một lối vào khu chợ đầu mối Tân Phát Địa hiện đang bị phong tỏa. Ảnh: Sina |
Chinanews ngày 15/6 đưa tin, Trung Quốc ghi nhận thêm 49 ca nhiễm mới Covid-19 trong vòn 24 giờ qua, trong đó có tới 36 trường hợp là lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Bắc Kinh và 3 trường hợp lây nhiễm cộng đồng khác tại tỉnh Hồ Bắc.
Hôm 11/6, sau 2 tháng được công bố hết dịch, ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Bắc Kinh. Bệnh nhân này đã đến khu chợ Tân Phát Địa và không rời khỏi thành phố trong thời gian gần đây.
Một chiếc thớt dùng để thái cá hồi nhập khẩu tại khu chợ Tân Phát Địa được xác định có dính virus SARS-CoV-2. Ảnh: Sina |
Tờ The Paper cho biết, virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên một thớt dùng để thái cá hồi nhập khẩu tại khu chợ. Ngày 13/6, xét nghiệm axit nucleic của thớt cá hồi cũng cho kết quả dương tính. Thông tin này khiến nhiều siêu thị lớn ở Bắc Kinh quyết định bỏ sản phẩm cá hồi khỏi quầy hàng tươi sống.
Theo Tân Hoa Xã, Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã phải phong tỏa hoàn toàn khu chợ Tân Phát Địa, đồng thời tiến hành xét nghiệm hàng loạt với bất kỳ ai đã từng tiếp xúc gần với khu chợ.
Phần lớn những ca nhiễm mới sau đó ở Bắc Kinh đều có liên quan đến khu chợ, và chính quyền đã buộc người dân không được ra khỏi nhà, đồng thời tạm đóng cửa các trường học và hoãn các hoạt động sự kiện.
Một quận của Bắc Kinh đã phải kích hoạt cơ chế "thời chiến" và lập "trung tâm chỉ huy dã chiến" để ứng phó tình hình.
Khu chợ Tân Phát Địa nhìn từ trên cao. Ảnh: Baidu |
Trước đó, dịch Covid-19 được cho là khởi phát từ một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán hồi cuối tháng 12/2019. Dịch bệnh đến này đã khiến hơn 83.000 người ở Trung Quốc nhiễm bệnh và hơn 4.000 trường hợp tử vong.
Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh khi chỉ còn xuất hiện các ca lây nhiễm từ bên ngoài vào. Ngay trong khi các thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, thì việc các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh trở lại làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát.
Khu chợ Tân Phát Địa chụp từ vệ tinh. Ảnh: Sohu |
Chợ đầu mối Tân Phát Địa được xây dựng vào tháng 5/1988, có diện tích khoảng 1.120.000 m2, là tổ hợp của hàng chục tòa nhà với hàng nghìn quầy hàng cố định.
"Thậm chí, các xe tải chở hàng được đỗ và bán trực tiếp. Bạn có thể tưởng tượng rằng khi bạn vào một nơi như bãi đậu xe, có hàng chục xe tải lớn đậu trong một khu vực đông đúc và chỉ bán một loại rau. Đây cũng là một sự khác biệt lớn giữa Tân Địa Phát và các khu chợ nông sản khác. Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có khu vực giao dịch riêng. Chẳng hạn như ớt, bạn sẽ chỉ có thể nhìn thấy ớt ở khu vực riêng với hàng chục quầy chỉ bản ớt", tờ Sohu viết.
Bên trong một khu chuyên bán thịt lợn ở khu chợ Tân Phát Địa. Ảnh: Sohu |
Trang Sina thông tin, ước tính trung bình 18.000 tấn rau mỗi ngày, 20.000 tấn hoa quả cùng hàng nghìn tấn thủy hải sản và các loại thịt được giao dịch tại đây. Tân Phát Địa là trung tâm bán buôn nông sản quy mô lớn nhất ở Bắc Kinh, chiếm hơn 80% nguồn cung nông sản cho thành phố này.
Trong năm 2019, khu chợ đầu mối Tân Phát Địa đã giao dịch tổng cộng 35 tỷ tấn thực phẩm với 131,9 tỷ NDT (khoảng 455 nghìn tỷ đồng).
Chính quyền Bắc Kinh phải thiệt lập các địa điểm giao dịch tạm thời để giảm bớt sự ảnh hưởng trong thời gian khu chợ Tân Phát Địa bị phong tỏa. Ảnh: China News |
Ông Vương Hồng Tồn, một thanh tra cao cấp của Cục Thương mại thành phố Bắc Kinh, nói rằng Chợ Tân Phát Địa là một "giỏ rau" quan trọng ở Bắc Kinh. Dù khu chợ bị phong tỏa nhưng chính quyền vẫn buộc phải thiết lập các địa điểm giao dịch tạm thời, để thành phố không bị rơi vào tình trạng thiếu "hàng hóa nghiêm trọng" và "giá vật phẩm tăng cao".
Hoa Vũ (Theo China News, Tân Hoa Xã, The Paper, Sina, Sohu)