Những thói quen hàng ngày khi tắm trong ngày thời tiết lạnh có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Tắm thường xuyên vào mùa đông không tốt cho da. |
Các chuyên gia khuyến cáo, vào mùa đông chỉ nên tắm 2 - 3 ngày một lần. Giữa khoảng thời gian này, có thể tạm thời loại bỏ vi khuẩn và mồ hôi gây mùi bằng cách dùng khăn bông lau toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như nách và bộ phận sinh dục.
Sở dĩ như vậy vì việc tắm nước nóng thường xuyên sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da gây kích ứng và khô nẻ.
Hơn nữa, việc tắm nhiều trong mùa đông dễ làm cơ thể bị nhiễm lạnh và mắc các bệnh đường hô hấp.
Tắm quá lâu dễ bị tụt huyết áp. |
Có những người dành rất nhiều thời gian cho việc ngâm mình trong nước khi tắm, thậm chí họ có thể ở lì trong nhà tắm tới cả giờ đồng hồ. Việc làm này không hề tốt cho sức khỏe.
Theo lời khuyên của bác sĩ, bạn không nên dành quá 10-15 phút cho việc tắm hàng ngày. Bởi tắm quá lâu dưới vòi nước sẽ làm giảm bớt lượng tinh dầu và chất béo tự nhiên trên da, làm da khô, mất cân bằng độ ẩm nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức dễ gây ra cảm lạnh, ảnh hưởng tới các mạch máu, huyết áp, dễ dẫn tới ngất xỉu.
Không chỉ là mùa đông, nhiều người thường có thói quen sử dụng nước nóng khi tắm cả trong mùa hè. Việc tắm bằng nước nóng giúp cho cơ thể thư giãn, điều hòa, giảm stress, mang lại giấc ngủ ngon hơn.
Tắm nước quá nóng làm da khô nẻ. |
Tuy nhiên, nếu tắm nước quá nóng sẽ dễ gây tổn thương cho da, làm da bị mất nước, gây ra hiện tượng da thô ráp và lão hóa nhanh. Ngoài ra, tắm nước quá nóng sẽ khiến gây áp lực cho tim bởi tất cả các mạch máu trên da đều giãn nở hết cỡ gây thiếu oxy cung cấp đến tim.
Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, tắm nước quá nóng sẽ làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng ở nam giới. Vì vậy, nhiệt độ nước thích hợp để tắm nhất vào mùa đông là từ 24 – 29 độ.
Tắm sau khi ăn
Tắm sẽ làm cho các mao mạch ở chân tay giãn nở, huyết dịch tập trung lên bề mặt cơ thể, làm cho lưu lượng máu đường ruột giảm xuống, dịch tiêu hoá bài tiết ít, ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa.
Nếu thường xuyên tắm sau khi ăn cơm, sẽ gây ra các bệnh về đường ruột, dạ dày. Nếu mắc bệnh tim, cao huyết áp, mỡ trong máu... sẽ dễ gặp biến chứng. Vì vậy, sau khi ăn cơm 1 - 3 tiếng đi tắm là thích hợp nhất.
Tắm trước khi đi ngủ
Giấc ngủ thường đến khi nhiệt độ cơ thể xuống thấp hơn bình thường một chút. Việc tắm nước nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể, trì hoãn não tiết ra hormone gây buồn ngủ. Do đó, bạn nên tắm bằng nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Nếu không thể tắm bằng nước ấm cách hai giờ trước khi đi ngủ, bạn có thể dùng khăn lạnh chườm đầu khoảng năm phút để hạ nhiệt độ cơ thể xuống mức bình thường. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Tắm vào ban đêm
Tắm quá muộn dễ gây đột quỵ tử vong. |
Từ sau 23 giờ là thời điểm không nên tắm hay gội đầu. Lúc này. nền nhiệt độ xuống thấp nhất, tuần hoàn máu kém hơn nên tắm khuya dễ bị cảm lạnh, gây thiếu máu não nghiêm trọng, dẫn đến bất tỉnh, hôn mê. Đặc biệt nguy hiểm là bị cảm, nhất là khi đã có men cồn, chất kích thích trong máu dễ gây đột quỵ, tử vong.
Nếu buộc phải tắm muộn, nên tắm nhanh bằng nước ấm và lau khô người trước khi bước lên giường.
Tắm khi cơ thể mệt mỏi
Một sai lầm lớn mà nhiều người thường mắc phải là đi tắm khi cơ thể đang mệt mỏi. Tuy nhiên, việc này sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bởi lúc cơ thể mệt mỏi đồng nghĩa với việc tuần hoàn, lưu thông máu trong cơ thể kém. Đặc biệt, nếu tắm nước lạnh có thể khiến bạn mệt mỏi hơn, bị cảm lạnh, choáng, bất tỉnh và thậm chí là tử vong đột ngột.
Dội nước từ đầu xuống chân
Dù bạn có tắm nước nóng thì đầu tiên cũng không được dội thẳng nước từ đầu xuống chân để tránh bị đột quỵ. Hãy dội nước vào hai chân, hai tay cho cơ thể quen với nước rồi mới đến toàn bộ cơ thể.
Theo các chuyên gia, trước khi ra khỏi phòng tắm, bạn nên làm sạch tóc và lau khô người. Đây là việc làm quan trọng để mang lại một sức khỏe tốt, tránh nguy cơ bệnh tật.
Minh Khôi (T/h)