Mẹ chồng chưa một lần gọi tôi là con dâu, cũng chẳng nhắc đến tên tôi (Ảnh minh họa). |
Tôi đến với anh khi gia đình anh tuyệt đối ngăn cấm. Họ cho rằng chúng tôi không môn đăng hộ đối, cũng bởi nhà anh giàu có nổi tiếng nhất thị trấn nơi tôi ở. Bố mẹ anh còn đến thẳng nhà tôi tuyên bố: “Không bao giờ nhận nó là con dâu, ông bà hãy dạy lại con mình đi, cứ bám theo trai như thế mà cũng nghe được à?”. Bố mẹ tôi uất nghẹn khóc lóc van xin tôi hãy tỉnh ngộ, nhưng vì yêu anh nên tôi kiên quyết bảo vệ tình yêu đó. Trong thâm tâm tôi vẫn tin rồi một ngày bố mẹ anh sẽ hồi tâm chuyển ý.
Hai đứa bỏ đi vào tận Sài Gòn mưu sinh, làm lại tất cả. Ban đầu có chút khó khăn nhưng vì yêu thương nhau nên chúng tôi đã vượt qua. Anh chăm chỉ, lại giỏi giao tiếp nên cuối cùng đã mở được một xưởng làm bún riêng. Bắt đầu có thương hiệu lại ăn nên làm ra, nên chúng tôi sớm mua được đất xây nhà.
Ba năm trôi qua, bố mẹ anh không thấy mặt con, nhớ nhung nên hồi tâm chuyển ý. Mặt khác, lại biết chúng tôi có một đứa con trai, khát khao được bế cháu nội đã thôi thúc bố mẹ anh vào Sài Gòn, tìm đến tận nhà khuyên chúng tôi về quê đoàn tụ. Tuy nhiên, họ vẫn giữ khoảng cách khi thấy tôi.
Anh vốn là đứa con có hiếu, lại thương cảnh cha mẹ già yếu nên sau 2 lần ông bà vào tìm đã nhượng lại xưởng bún và về quê quay trở lại nghề dạy học. Còn tôi xin làm kế toán của một xưởng may mặc.
Vốn chê tôi chậm chạp, lại con nhà thuần nông nên bố mẹ anh vẫn giữ khoảng cách. Trong mắt họ chỉ có con và cháu nội mà thôi. Nhiều lần anh em họ hàng đến chơi, ông bà giới thiệu hết một vòng con cháu, nhưng họ trừ tôi ra. Họ coi tôi là người dưng nước lã. Bà đi chợ mua khăn mặt, bàn chải đánh răng nhưng chỉ mua đủ phần trong nhà mỗi người một cái, còn tôi cứ như người vô hình trong nhà.
Ngày tháng trôi đi, tính đã hơn 10 năm về làm dâu nhà chồng nhưng chưa một lần ông bà gọi tên tôi. Khi cần bà chỉ gọi “này đâu rồi”, “giời ơi, lấy hộ cái ấy”, “này, ăn cơm đi”,… Tôi vốn có tên cha mẹ khai sinh chứ có phải “này”, “giời” như bà gọi đâu. Mỗi bữa cơm tôi dọn ra đều phải nuốt nước mắt vào trong khi mời ông bà ăn cơm, ông bà chẳng thèm trả lời, nếu có cũng miễn cưỡng "ăn đi", " thôi ăn đi, lắm chuyện",... Tôi gắp thức ăn, bà gắp trả lại "khó ăn quá", "nuốt không nổi",...
Đối với gia đình tôi cũng vậy? Họ chưa một lần đến chơi thăm hỏi, tuyệt đối chẳng bao giờ tự dưng nhắc tên bố mẹ tôi. Nhiều lúc tôi cảm giác họ ghẻ lạnh tới mức sợ nhắc sẽ bị lây bệnh truyền nhiễm. Còn bố mẹ tôi giờ thấy tôi có hai đứa con cũng nguôi ngoai được phần nào nỗi buồn. Nhưng đôi lúc mẹ vẫn hỏi: "Thế có cực khổ lắm không con?". Nghĩ cảnh người ta làm dâu mà sướng còn tôi sao khổ vậy?
Nghĩ cảnh người ta làm dâu mà sướng còn tôi sao khổ vậy? (Ảnh minh họa). |
Nhiều năm qua tôi đã muốn hỏi ông bà một câu vì sao ông bà nỡ đối xử với tôi như vậy? Chỉ vì cái nghèo, vì tôi xấu mà bị đối xử như thế liệu có công bằng? Tôi đã hạ sinh cho họ hai thằng cháu nội kháu khỉnh, nuôi chúng lớn khôn vậy sao tôi vẫn không được ghi nhận, không được coi là dâu?
Mới đây, khi đám cưới em gái chồng tôi - đứa con gái cưng của ông bà lấy chồng, giây phút cả gia đình lên ra mắt nhà trai, ông bà giới thiệu rành mạch tên con trai, tên hai cháu nhưng không nhắc tới tôi, dù tôi đứng đó diện cái váy đỏ nổi bật.
Sau hôm đó, tôi đã ôm chồng khóc nức nở hỏi anh, tự dằn vặt bản thân, phải chăng vì tôi cố gắng, nhưng vẫn chưa đủ hay vì cái số tôi nó sẽ như vậy mãi mãi. Chồng tôi vẫn nói câu quen thuộc “Em cứ yên tâm rồi bố mẹ sẽ hiểu”, nhưng tôi còn phải đợi đến bao giờ nữa đây?
tinhyeumaunang23@...