Đóng

Không đỗ vào lớp 10 trường công lập, lối đi nào cho học sinh?

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Lo lắng bao trùm các gia đình ở Hà Nội sau khi biết điểm thi lớp 10 công lập, nhưng đây là lúc cần bình tĩnh tìm hướng đi mới cho con.

Lo lắng tìm trường cho con

Năm 2025, trong số khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS ở Hà Nội, có hơn 103.456 em đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 được Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho các trường công lập không chuyên là 75.670 học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn học sinh phải tìm kiếm các lựa chọn khác như trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên hay trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo chương trình 9+. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập tại Hà Nội năm nay chiếm khoảng 64% so với số dự thi, cao hơn năm trước khoảng 2%. 

Áp lực không chỉ đến từ bản thân các em với kỳ vọng về tương lai, mà còn từ gia đình, bạn bè và cả những định kiến xã hội. 

Không ít học sinh đã phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, hoặc thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực khi kết quả thi không như mong đợi. Ảnh minh họa.

Chia sẻ trên Sức khoẻ & Đời sống, chị Phạm Thu Thủy, có con vừa thi vào lớp 10 tại quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ trong sự lo lắng: "Từ khi con bắt đầu ôn thi, tôi đã thấy cháu ít nói hẳn, nhiều lúc thức khuya học bài đến xanh xao. Giờ biết điểm rồi, dù con đã cố gắng hết sức nhưng không đủ điểm vào trường công lập. Con bé buồn lắm, cứ nhốt mình trong phòng từ tối qua đến nay, không muốn nói chuyện với ai".

Thực tế cho thấy, không ít học sinh đã phải đối mặt với các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, hoặc thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực khi kết quả thi không như mong đợi. Sự thất bại (theo cách nhìn của các em và gia đình) trong một kỳ thi quan trọng bậc nhất ở lứa tuổi này có thể gây ra những sang chấn tâm lý kéo dài nếu không được quan tâm đúng mức. 

Ngoài ra, nỗi lo về tài chính và định hướng tương lai cũng đè nặng lên vai phụ huynh. Một phụ huynh khác bày tỏ: "Khi xem kết quả, con đã không thể vào trường công lập. Với mong muốn con vào công lập vì chi phí hợp lý và chất lượng giáo dục ổn định, nên giờ đây mọi kế hoạch dường như bị đảo lộn. Gia đình đang khá bối rối vì chưa biết lựa chọn con đường nào cho con khi cánh cửa này khép lại, bởi với trường tư thục thì tài chính không đủ, còn trường nghề thì không biết trường nào sẽ phù hợp. Tôi lo chọn sai sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cháu".

Trường tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn rộng cửa

Theo các chuyên gia giáo dục, việc trượt trường công không đồng nghĩa với cánh cửa tương lai khép lại. Học sinh vẫn có nhiều hướng đi phù hợp như theo học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc lựa chọn ôn luyện để thi lại nếu có quyết tâm và điều kiện.

Báo Xây dựng dẫn lời cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên một trường THCS tại quận Hoàn Kiếm, cho biết: "Kỳ thi vào lớp 10 chỉ là một cột mốc nhỏ trong hành trình dài. Quan trọng là các em không tự giới hạn tương lai chỉ vì một lần vấp ngã".

Ngoài hệ thống công lập, học sinh có thể chọn trường tư thục, trung tâm GDTX hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp. "Hãy xem kỳ thi như cơ hội để nhìn lại và định hướng lại, chứ không phải dấu chấm hết", cô Phương nhấn mạnh.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện thành phố có 119 trường THPT công lập, hơn 100 trường tư thục, cùng các mô hình trường công lập tự chủ, hiệp quản, quốc tế và GDTX. Chỉ tiêu lớp 10 công lập năm nay chiếm khoảng 64% học sinh dự thi, tăng 3% so với năm trước.

Đáng chú ý, 3 trường THPT công lập mới gồm Phúc Thịnh (huyện Đông Anh), Đỗ Mười (quận Hoàng Mai) và một trường tại Cầu Giấy đang được xây dựng, dự kiến hoạt động từ năm học 2025–2026. Đây sẽ là bước đi nhằm mở rộng quy mô, giảm tải cho hệ thống hiện tại.

Cùng với đó, ngành giáo dục Hà Nội đang đẩy mạnh đa dạng hóa loại hình đào tạo, từ trường tư thục đến trung tâm GDTX, giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu là đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học tiếp đều được đáp ứng, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh.

Cô Trần Thu Thủy, giáo viên tư vấn hướng nghiệp tại Hà Nội cho rằng: "Thi trượt trường công không có nghĩa cánh cửa tương lai khép lại. Quan trọng là các em giữ bình tĩnh, không nản chí, cùng gia đình tìm hiểu kỹ lưỡng để chọn hướng đi phù hợp".

"Ngay cả khi con đường phía trước không như kỳ vọng, nếu có định hướng đúng và nghiêm túc theo đuổi, mọi lựa chọn đều có thể là điểm khởi đầu cho hành trình thành công", cô Thủy nhấn mạnh.

Cô Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, chia sẻ: "Một cánh cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Học sinh và phụ huynh cần điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp với năng lực. Một kỳ thi không quyết định cả tương lai".

Theo cô Hà, những học sinh có điểm khá nhưng chọn nguyện vọng cao có thể chờ xét tuyển bổ sung, đặc biệt khi Hà Nội sắp có thêm trường công mới. Trường tư thục với chương trình linh hoạt, kiểm soát chất lượng tốt là lựa chọn phù hợp. Các trung tâm GDTX hoặc trường nghề cho phép học sinh kết hợp học văn hóa và kỹ năng, tốt nghiệp vừa có bằng THPT, vừa có tay nghề. Trường hợp quyết tâm ôn thi lại cũng nên được cân nhắc nếu điều kiện cho phép.

Tin nổi bật