Đóng

Thách thức và cơ hội khi cấp xã đảm nhận thêm trọng trách giáo dục

  • Phương Uyên (t/h)
(DS&PL) -

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, UBND cấp xã đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm mới, đặc biệt là trong quản lý nhà nước về giáo dục.

Trách nhiệm mới là cơ hội và thách thức

Báo Tuổi trẻ đưa tin, theo ông Trần Đức Nhật - Chủ tịch UBND phường Tân Lập (Đắk Lắk), toàn phường hiện có 17 cơ sở giáo dục (12 công lập, 5 tư thục), với 546 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 8.800 học sinh.

Đến nay, các trường đã cơ bản hoàn tất công tác huy động học sinh, rà soát cơ sở vật chất, nhân sự và xây dựng kế hoạch cho năm học mới. Theo ông Nhật, qua nắm bắt, lãnh đạo các trường phản ánh nhiều khó khăn như thiếu phòng học, thiết bị dạy học, bất cập trong đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh thực phẩm học đường.

Ông Trần Đức Nhật - Chủ tịch UBND phường Tân Lập (Đắk Lắk). Ảnh: Tuổi trẻ

"Phường đã tiếp thu và cam kết hỗ trợ tháo gỡ theo hướng tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, phù hợp với thực tiễn địa phương", ông khẳng định bản thân sẽ trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, xử lý những vấn đề phát sinh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và người dân.

Theo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Khánh An (Cà Mau) cho biết, xã mới “gánh vác” trách nhiệm mới, trong đó có việc phân cấp quản lý giáo dục từ cấp mầm non đến THCS; cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ; giải quyết việc chuyển trường, quản lý dạy thêm, học thêm…

Địa phương này đã thành lập phòng Văn hóa - Xã hội gồm 9 người, phụ trách các vấn đề liên quan lĩnh vực văn hóa xã hội ở địa phương, trong đó có mảng giáo dục, tham mưu cho lãnh đạo xã trong công tác quản lý giáo dục.

Ngay sau sáp nhập, lãnh đạo xã đã làm việc với hiệu trưởng các điểm trường trên địa bàn triển khai các nội dung có liên quan chỉ đạo của UBND tỉnh về phân cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời ghi nhận ý kiến đóng góp của lãnh đạo các trường để việc quản lý giáo dục tốt hơn.

Thời điểm này xã đã chỉ đạo cán bộ quản lý giáo dục phối hợp cùng nhà trường, phụ huynh và đoàn viên thanh niên tổ chức quản lý, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em dịp hè. Đồng thời rà soát lại cơ sở vật chất các điểm trường để có kế hoạch đầu tư, sửa chữa, chuẩn bị tốt cho năm học mới.

Chủ động phối hợp chặt chẽ 

Trong khi đó, từ ngày 1/7, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, 130 phường, xã của tỉnh Nghệ An chính thức tiếp nhận quản lý trực tiếp hơn 1.300 trường mầm non, tiểu học và THCS.

Sau sáp nhập, 2 phường có số lượng trường học trên địa bàn phải quản lý lớn nhất là phường Thành Vinh và phường Trường Vinh (thuộc thành phố Vinh cũ) với 26 trường học công lập, nhiều trường tư thục, ngoài công lập khác. Đây cũng là 2 phường có dân số đông nhất tỉnh Nghệ An.

Giờ dạy học tại Trường THCS Trà Lân, xã Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Giáo dục và Thời đại

Bà Hoàng Thị Phương Thảo (nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũ), nay là Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội phường Trường Vinh, Nghệ An. Với kinh nghiệm quản lý giáo dục nhiều năm và nghiên cứu các văn bản chỉ đạo mới, bà Thảo cho hay, nhiệm vụ chức năng của phòng GD&ĐT trước đã chuyển giao gần như toàn bộ về chính quyền cấp xã.

Bao gồm việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, quy mô mạng lưới trường lớp, quản lý cơ sở vật chất, con người đến phân bổ, giao dự toán ngân sách đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc…

Tuy nhiên trước đây, phòng GD&ĐT là đơn vị “chuyên môn hóa”, bản thân các chuyên viên được chia mảng phụ trách rõ ràng. Trong khi ở cấp xã, phường thì giáo dục là một mảng của phòng văn hóa – xã hội, và cán bộ phụ trách kể cả là người của phòng GD&ĐT trước đây cũng đảm nhận thêm nhiều vai trò, nhiệm vụ mới.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo cho hay, hiện cán bộ phụ trách giáo dục các phường thuộc thành phố Vinh cũ đã có sáng kiến lập nhóm chung để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Mỗi người có thế mạnh chuyên môn riêng sẽ hỗ trợ, tăng cường cho nhau trong các đầu mối công việc như duyệt kế hoạch năm học, chương trình nhà trường; quản lý dạy thêm, học thêm; sinh hoạt chuyên môn; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Về lâu dài, chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mới, cần vai trò của sở GD&ĐT trong phối hợp, chỉ đạo chuyên môn dạy học, đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như điều hòa, phân bổ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Tin nổi bật