Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Không có tình tiết giảm nhẹ, kẻ giết người, trốn nã bị tăng án

(DS&PL) -

Sau khi cùng đồng bọn gây ra vụ hỗn chiến, Tuấn bỏ trốn và bị truy nã. 15 năm sau, Tuấn bị bắt trong tình trạng mang nhiều bệnh, phải ngồi xe lăn.

Sau khi cùng đồng bọn gây ra vụ hỗn chiến, Tuấn bỏ trốn và bị truy nã. 15 năm sau, Tuấn bị bắt trong tình trạng mang nhiều bệnh, phải ngồi xe lăn.

Bị cáo Trần Minh Tuấn.

Tham gia truy sát rồi trốn nã suốt 15 năm

Trần Minh Tuấn, SN 1984, ngụ quận 9, TP.HCM là người từng bị truy nã nhiều năm do có hành vi cùng đồng bọn truy sát khiến 2 người suýt chết. Vụ án mà Tuấn cùng đồng bọn gây ra từ năm 2004 và các đối tượng liên quan đều bị bắt, bị tuyên án tù. Riêng Tuấn bỏ trốn và bị truy nã.

Nguyên do của vụ án xuất phát từ mâu thuẫn khi va quệt xe từ trước giữa Mai Đăng Tuyến và Trần Đăng Khoa. Tối 20/5/2004, Tuyến rủ Tuấn và nhiều bạn bè khác đến nhà, bàn kế hoạch trả thù.

Sau đó, cả nhóm gồm 7 người đến quận Thủ Đức (TP.HCM) tìm Khoa gây sự. Thấy Khoa ngồi cùng bạn trong 1 quán ăn, nhóm này xông vào cầm đá đuổi đánh, đập vỡ đèn xe máy bạn của Khoa.

Gây sự xong, Tuấn cùng nhóm bạn quay về nhà. Trên đường đi, nhóm này gặp 11 thanh niên khác (trong đó có người làm phường đội và dân phòng phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9) nên nhập thành một nhóm và tiếp tục tìm nhóm Khoa để đánh tiếp. Nhóm đối tượng này mang theo 2 thanh mã tấu để đi tìm Khoa, quyết làm mọi việc "cho ra nhẽ".

Khi lưu thông trên đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), Tuyến nhìn thấy một nhóm đang ngồi gần vỉa hè, nghĩ đó là thành viên trong nhóm Khoa nên Tuyến kêu cả nhóm dừng xe. Liền sau đó, Tuấn và Tuyến cùng 1 đối tượng khác bước xuống xe, cầm theo mã tấu xông đến hành hung.

Bất ngờ bị chém, nhóm thanh niên không hiểu chuyện gì và bỏ chạy thoát thân. Thấy nhóm người bỏ chạy, Tuấn cùng đồng bọn truy đuổi đến cùng, chém trọng thương 2 nạn nhân.

Sau khi gây ra vụ hỗn chiến rồi chém trọng thương người vô tội, các đối tượng mới phát hiện mình đánh, chém nhầm người nên vội vàng bỏ đi. Trên đường, nhóm Tuyến gặp lại nhóm Khoa, hai bên tiếp tục hỗn chiến cho đến khi lực lượng công an xuất hiện.

Sau vụ án, Mai Đặng Tuyến cùng 7 đối tượng tham gia hỗn chiến bị bắt và bị tuyên án phạt từ năm 2005 và đã chấp hành xong hình phạt. Riêng Tuấn bỏ trốn và bị truy nã. 15 năm sau, Tuấn bị bắt theo lệnh truy nã trong tình trạng có nhiều bệnh tật, phải ngồi xe lăn.

Phải ngồi xe lăn hầu tòa

Với hành vi cùng đồng phạm tham gia truy sát khiến 2 người trong thương nói trên, Trần Minh Tuấn bị truy tố về tội Giết người. Hồi tháng 7/2020, Tuấn bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử về tội danh này và tuyên phạt mức án 5 năm tù giam sau khi cân nhắc, xem xét cho bị cáo nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Một trong những căn cứ để tòa sơ thẩm giảm án cho Tuấn là điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, nêu thân nhân bị cáo là người có công với cách mạng. Theo VKSND TP.HCM, việc tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ hình phạt này là không áp dụng đúng với đối tượng nên đã kháng nghị tăng án với Tuấn.

Một ngày đầu tháng Chín, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm đối với Tuấn theo kháng nghị tăng án của VKS. Bị cáo Tuấn đến tòa trong tình trạng phải ngồi xe lăn, thân hình gầy gò và mái tóc đã gần bạc trắng.

Bị cáo Tuấn cho rằng, thời điểm vụ án xảy ra, Tuấn còn quá trẻ và háo thắng nên khi được rủ đi trả thù đã nhanh chóng hưởng ứng. Vụ án xảy ra, Tuấn biết mình sẽ phải đi tù nên sợ nên bỏ trốn. Nhiều năm trôi qua, bị cáo tưởng vụ án đã trôi vào quên lãng nên không còn để ý, cho đến khi bị bắt.

Thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị tòa chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM. Theo đó, điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 mà tòa sơ thẩm làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho Tuấn, nêu rõ: "Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ hoặc người có công với cách mạng".

Trong khi đó, Tuấn không thuộc đối tượng được hưởng tình tiết giảm nhẹ này nên VKSND Cấp cao đề nghị tòa tuyên phạt Tuấn từ 6 - 8 năm tù (cao hơn mức án phạt mà TAND TP.HCM tuyên phạt Tuấn trước đó).

Theo tòa phúc thẩm, việc TAND TP.HCM áp dụng điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 để giảm án cho bị cáo Tuấn là sai nên quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM, tăng hình phạt đối với bị cáo. HĐXX nhận định hành vi của Tuấn là nguy hiểm cho xã hội, sau khi gây án lại bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra nên cần có mức án tương xứng.

Từ các nhận định nêu trên, HĐXX phúc thẩm quyết định tăng án đối với Tuấn từ 5 năm lên 7 năm tù giam về tội Giết người.

Công Thư

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (180)

Tin nổi bật