Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khối tài sản nghìn tỷ của đại gia sở hữu cặp siêu du thuyền lớn nhất Việt Nam

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Tập đoàn Việt Thuận của đại gia kín tiếng Trịnh Trung Uý đang sở hữu cặp siêu du thuyền 6 sao lớn nhất Việt Nam trị giá hơn 30 triệu USD, tương đương hơn 700 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, cặp du thuyền 6 sao Essence Grand 1 và Essence Grand 2 (tên cũ là La Sieta 1 và La Sieta 2)  được cho là lớn nhất, sang trọng nhất Việt Nam.Cặp du thuyền này có chiều dài 110m, chiều ngang 20m, 5 tầng với diện tích sàn hơn 2.000m2. Mỗi chiếc du thuyền có 55 phòng, có thể phục vụ 160 khách lưu trú qua đêm và 320 khách tham quan cùng 70 nhân viên phục vụ.

Thiết kế cặp du thuyền "sinh đôi" Essence Grand 1 và Essence Grand 2.

Các phòng nghỉ tiện nghi cao cấp, trang thiết bị hiện đại.

Trên thuyền có đầy đủ các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, dành cho nhiều đối tượng khách như: Phòng VIP (phòng tổng thống) có diện tích 100m2 với đầy đủ tiện ích trong đó có quầy bar, sân tắm nắng, bể sục; phòng thông thường có diện tích tối thiểu 35m2; phòng ăn lớn có sức chứa 250 khách.

Ngoài các tiện ích như skybar, bể bơi 4 mùa nước mặn, phòng chiếu phim, giải trí, phòng gym, thư viện… Đây cũng là cặp du thuyền đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam không những có 1 mà đến 2 sân đỗ trực thăng sân đỗ trực thăng.

Khi đưa vào khai thác, hai con tàu này đủ điều kiện chạy dọc từ Bắc vào Nam trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền, trong điều kiện thời tiết bình thường.

Du thuyền có tới 2 sân đỗ trực thăng. 

Theo báo Lao động, cặp siêu du thuyền này thuộc liên danh chủ đầu tư gồm: Tập đoàn Việt Thuận và Tập đoàn EHG. Tập đoàn Việt Thuận nằm trong tốp đầu Đông Nam Á về vận chuyển hàng rời, sở hữu trên 80 phương tiện vận chuyển hàng rời hiện đại. Trong khi, Tập đoàn EHG là đơn vị có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhất Việt Nam mang thương hiệu La Siesta luôn nằm trong top các khu nghỉ dưỡng sang trọng, có chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo thông tin trên báo VietNamNet, mối lương duyên này giữa đường đứt gánh và hiện tại chỉ còn lại một mình Việt Thuận tại dự án này.

Ông Trịnh Trung Úy, Chủ tịch Tập đoàn Việt Thuận.

Chủ tịch Tập đoàn Việt Thuận là ông Trịnh Trung Uý. Vị đại gia này được đánh giá là khá kín tiếng, rất hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Mọi thông tin về ông rất ít ỏi, chỉ biết ông là Chủ tịch Tập đoàn Việt Thuận.

Theo tạp chí Đầu tư tài chính, Tập đoàn Việt Thuận tiền thân là Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận, thành lập vào năm 2005, trụ sở chính tại TP.Uông Bí, Quảng Ninh. Việt Thuận hiện có 6 công ty thành viên cùng gần 100 đầu phương tiện vận tải thuỷ, tổng trọng tải xấp xỉ 1 triệu tấn. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Thuận là đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam đầu tư đóng mới tàu biển chuyên dụng phục vụ vận chuyển than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trên toàn quốc. Những đối tác lớn nhất của doanh nghiệp này trong việc vận tải hàng hoá là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng vận tải Việt Thuận đạt gần 13 triệu tấn, doanh thu trên 3.500 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động vận tải đạt trên 2.500 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động chế biến kinh doanh than đạt gần 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 35 tỷ đồng. Việt Thuận đặt kế hoạch 6 tháng cuối năm đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng từ đội tàu sở hữu, lợi nhuận trước thuế trên 90 tỷ đồng. 

Ngoài ra, ông Trịnh Trung Uý còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải thuỷ - Vinacomin (mã chứng khoán: WTC) từ năm 2019 đến nay.

Tại WTC, ông Trịnh Trung Uý không trực tiếp sở hữu cổ phần mà gián tiếp sở hữu thông qua Việt Thuận (69,5% vốn điều lệ WTC). Trong khi đó, chị gái ông Úy là bà Trịnh Thị Nga, đang sở hữu 194.646 cổ phiếu, tương đương 1,95% vốn điều lệ công ty. Năm 2023, WTC do ông Trịnh Trung Uý làm Chủ tịch đặt kế hoạch doanh thu 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. 

Không dừng lại ở lĩnh vực vận tải thuỷ, năm 2019, ông Trịnh Trung Úy thành lập Công ty TNHH Du lịch và khách sạn Việt Thuận. Đây là bước khởi đầu đánh dấu việc vị đại gia Quảng Ninh này chính thức lấn sân sang lĩnh vực du lịch.   

Được biết, đại gia Trịnh Trung Úy đã mua lại khu đất vàng số 21 Láng Hạ - Hà Nội (khách sạn Oasis) từ tay đại gia Nguyễn Hữu Đường (Đường bia). Tuy nhiên, dự án khách sạn mới do Việt Thuận làm chủ đầu tư vẫn chưa được triển khai.

Ngoài cặp du thuyền “sinh đôi” Essence Grand 1 và Essence Grand 2, đại gia Trịnh Trung Uý còn có tham vọng đóng tiếp siêu du thuyền thứ 3 vào năm 2024, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng, được giới thiệu đủ khả năng đi khắp thế giới sau khi hoàn thành vào năm 2026.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật