Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Em gái giúp cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng ra sao?

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Theo kết luận điều tra, ban đầu, Trịnh Thị Minh Huế khai hành vi phạm tội của mình là thực hiện theo chỉ đạo của anh trai là cựu Chủ tịch FLC nhưng đến nay, Huế phủ nhận, nói bản thân tự thực hiện.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan. Ngoài ra, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết cựu Chủ tịch FLC về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, có em gái của ông ta là bị can Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981), kế toán tổng hợp của FLC, đã giúp anh trai mình thao túng chứng khoán và lừa đảo. Bà Huế bị truy tố về cả 2 tội danh nói trên, giống anh trai .

Theo điều tra của Bộ Công an, Trịnh Thị Minh Huế là kế toán tổng hợp của Công ty Tập đoàn FLC, có trình độ hiểu biết về lĩnh vực tài chính kế toán, chứng khoán. Kết luận nêu, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán. Huế biết việc anh trai chỉ đạo trên là vi phạm pháp luật; biết việc đặt lệnh mua cổ phiếu khi không có tiền hoặc không đủ tiền trong tài khoản là vi phạm.

Tuy nhiên, Huế vẫn nghe theo ông Quyết, đề nghị Trịnh Thị Thúy Nga (chị gái Huế) chỉ đạo cấp dưới thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho 79 tài khoản chứng khoán, nâng khống tổng giá trị hạn mức lên hơn 170.000 tỷ đồng. Điều này giúp Huế đặt hơn 15.000 lệnh mua hơn 2.800 cổ phiếu các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC, tương đương hơn 46.980 tỷ đồng, nhưng chỉ khớp lệnh hơn 463 triệu cổ phiếu.

Bị can Trịnh Văn Quyết.

Từ ngày 26/5/2017 đến 10/1/2018, Huế sử dụng 190 tài khoản chứng khoán, liên tục đặt lệnh mua, bán, khớp chéo, hủy lệnh... với số lượng lớn cùng một loại chứng khoán, trong cùng ngày giao dịch để thao túng 5 mã chứng khoán trên.

Khi giá cổ phiếu tăng, Huế nghe theo chỉ đạo của anh trai, bán lại ra thị trường, giúp cựu Chủ tịch FLC thu lời bất chính hơn 700 tỷ đồng. Số tiền này, cựu Chủ tịch FLC sử dụng mua cổ phần tại hãng hàng không Bamboo Airways, mua cổ phần Công ty CP FLC Travel, mua cổ phần của Công ty CP Nông dược HAI, trả nợ, chuyển vào tài khoản chứng khoán, chi tiêu cá nhân. Trịnh Thị Minh Huế còn giúp anh trai nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần mặc dù thực tế không có tiền.

Theo đó, thực hiện theo ý kiến của anh trai, từ năm 2014 đến 2016, Huế vừa chỉ đạo, vừa nhờ các cá nhân là người thân, lãnh đạo, nhân viên Công ty FLC đứng tên là cổ đông, ký khống các chứng từ để Huế sử dụng trong những thủ tục nộp tiền, rút tiền... tại ngân hàng.

Việc nộp, rút tiền được Huế thực hiện nhiều lần, quay vòng dòng tiền để 5 lần tăng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Trên thực tế, công ty không có tiền.

Để hợp thức việc tăng vốn khống, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Huế nghe theo chỉ đạo của ông Quyết, trực tiếp soạn thảo 115 hợp đồng chuyển tiền ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn với 12 doanh nghiệp để 3 đời Giám đốc Công ty Faros và 6 cá nhân ký khống. Từ đó hợp thức việc rút toàn bộ số tiền đã góp khống nêu trên ra khỏi công ty.

Từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, theo chỉ đạo của anh trai, Huế sử dụng 41 tài khoản chứng khoán để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS; bán hơn 391 triệu cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, thu về hơn 4.818 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong đó, các bị can chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.

XEM THÊM: Phong tỏa nhiều tài sản của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các em gái

Mặc dù vậy, khai với cơ quan điều tra, bị can Trịnh Thị Minh Huế khẳng định bản thân "tự thực hiện hành vi phạm tội", không phải thực hiện theo chỉ đạo của anh trai. Cơ quan điều tra đánh giá, mặc dù tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội đã rõ nhưng bị can vẫn không thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của đồng phạm, vì vậy cần phải xử lý bằng một bản án nghiêm khắc để răn đe.

Khánh Ngân

Tin nổi bật