Sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh Võ Văn Vũ (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) tâm niệm, kinh tế cũng là một mặt trận, nên ông quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm” ông Vũ đã bắt tay vào làm kinh tế. Từ đó cuộc sống gia đình ông dần ổn định và còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại xã Phước Diêm.
Đi vay vàng làm giàu trên vùng đất trắng
Mở đầu câu chuyện, cựu binh Võ Văn Vũ (SN 1963), thôn Thương Diêm 2, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kể, ông bắt đầu đi lính ở Bộ đội Biên phòng, đóng quân tại Cà Ná (lúc đó vẫn còn là tỉnh Thuận Hải). Năm 1985 ông được cử đi học tại trường Sĩ quan, tốt nghiệp ông trở về đơn vị cũ công tác.
Đến năm 1992, tỉnh Thuận Hải được tách thành 2 là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Võ Văn Vũ được chuyển công tác về Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận và giữ cấp bậc Đại úy, Phó đồn trinh sát Vĩnh Hảo. Công tác tại Bình Thuận được 2 năm, đến năm 1994 cựu binh Vũ xuất ngũ với chế độ bệnh binh.
Nói đến đây, cựu binh Vũ hớp một ngụm trà rồi nói tiếp, ngày đó, khi xuất ngũ về lại địa phương, “trận đánh” đầu tiên của tôi là trên “mặt trận kinh tế”. Ngày ấy, chẳng ai dám nghĩ một anh lính trở về với gia cảnh khó khăn lại dám vay mượn bạn bè mấy cây vàng và hàng trăm triệu đồng để thuê máy đào ao và nuôi tôm.
Thời gian đầu việc nuôi tôm gặp nhiều trắc trở nhưng với tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, ông Vũ vẫn quyết tâm thực hiện. Và, trong nhiều năm liên tục, việc nuôi tôm thuận lợi, những ao tôm của ông đã cho lợi nhuận lớn.
Ông Vũ cười xòa bảo: “Ngày ấy, nuôi tôm tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nuôi rất sướng, vì thời tiết tốt, nước biển không bị ô nhiễm. Thả tôm xuống là đợi tới ngày thu hoạch thôi. Thời điểm năm 1994, nghề nuôi tôm là nghề hái ra “bạc” vì có rất ít người nuôi nên cũng thuận lợi cho việc cung ứng ra thị trường”.
Nhưng đến năm 2014, dịch bệnh trên tôm bắt đầu tràn lan và lúc này ông Vũ bị thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Vì thua lỗ ông Vũ đã quyết định bỏ nghề nuôi tôm để tìm hướng làm ăn mới.
Sau một thời gian suy nghĩ, ông Võ Văn Vũ quyết định cho thuê lại toàn bộ đìa tôm, dồn vốn mua đất ở gần ga Cà Ná xây dựng chuồng trại để nuôi heo. Hai năm đầu ông duy trì đàn heo từ 200 đến 250 con mỗi năm.
Cựu binh Võ Văn Vũ làm giàu nhờ trang trại nuôi lợn. |
Ông Vũ chia sẻ: “Những ngày đầu chuyển qua chăn nuôi tôi vừa tìm tòi học hỏi từ sách, báo và bạn bè. Tham gia tập huấn, đi tham quan học kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương,... để về ứng dụng. Đến năm 2016, tích góp vốn liếng làm ăn trước đây, tôi đầu tư xây dựng trang trại với diện tích 8 héc-ta, chủ yếu chăn nuôi. Hiện trang trại đã chăn nuôi ổn định từ 500 – 1.000 con”.
Từ năm 2017 đến nay, ông tăng đàn lên mức 2.000 đến 2.500 con. Cùng thời điểm này ông xây dựng thêm các trại gà để tăng thu nhập cho gia đình. Tất cả đàn heo, gà đều được ông nuôi theo phương pháp sử dụng đệm lót sinh học. Nhận thấy mô hình chăn nuôi gà, heo có khả năng phát triển ổn định lâu dài, cho lợi nhuận cao, ông tiếp tục mở thêm 2 cửa hàng kinh doanh thức ăn, 1 lò mổ, 4 sạp bán thịt ở các chợ trong huyện Thuận Nam, tạo quy trình khép kín từ sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ với PV ĐS&PL, cựu chiến binh Vũ nói: “Thuận Nam, là vùng đất khô cằn, đến mùa nắng nóng dễ xảy ra hạn. Nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình sinh học sẽ tiết kiệm được nguồn nước và tránh gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, trước đây gia đình tôi đã có lò giết mổ nên việc thực hiện mô hình khép kín sẽ dễ dàng hơn và giá thịt bán ra thị trường cũng cao hơn. Bên cạnh mở sạp bán thịt heo, gà, vịt ở các chợ, gia đình ông còn là đầu mối cung cấp thịt cho các thương lái ở địa phương. Nhờ đó, cuộc sống gia đình trở nên khấm khá. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình thu nhập gần 1 tỷ đồng”.
Việc chăn nuôi, kinh doanh của gia đình ông đã giúp hơn 10 lao động tại địa phương có việc làm ổn định.
Và quyết định làm “điện mặt trời”
Ninh Thuận là vùng đất thừa nắng, thiếu mưa. Nhận thấy lợi thế đó, năm 2019 cựu binh Vũ đã đầu tư hơn 2 tỷ vào lĩnh vực điện mặt trời áp mái nhà để phục vụ cho trang trại và sinh hoạt gia đình. Đến 6/2019 hệ thống điện mặt trời của ông Vũ đã được đấu nối với điện lực để bán điện thương mại. Mỗi tháng ông Vũ thu lợi giá 45 – 48 triệu đồng từ việc bán điện thương mại.
“Ngày trước chưa đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời, mỗi tháng tiền điện cho 2 trang trại của tôi là gần 50 triệu đồng. Nhưng nay tôi không phải đóng tiền điện mà có thêm thu nhập từ việc bán điện thương mại, từ đó kinh tế gia đình cũng khấm khá hơn”, ông Vũ nói.
Khi PV hỏi bao giờ thì cựu binh Vũ nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già, ông cười cho biết: “Còn sức khỏe là còn lao động để vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác”. Với thành tích của mình, cựu chiến binh Võ Văn Vũ đã vinh dự được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2011 - 2016”.
Ông Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam chia sẻ: Tại xã Phước Diêm người dân ở đây sống chủ yếu từ nghề đánh bắt hải sản, rất ít hộ quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, nên cựu binh Vũ là người tiên phong. Trong quá trình sản xuất ông Vũ tuân thủ rất nghiêm vấn đề vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng và kỹ thuật chăn nuôi. Những năm qua, việc chăn nuôi của ông Võ Văn Vũ góp phần ổn định cuộc sống gia đình và tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại huyện Thuận Nam, phần nào giúp cho kinh tế địa phương đi lên. |
Duy Quan
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 2 (79)