Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khói hương ngày Tết ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Chuyên gia cho hay, những loại nhang càng thơm, càng được tẩm nhiều hóa chất độc hại thì lại càng trở thành "kẻ giết người thầm lặng", đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.

Theo Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, vào mỗi dịp lễ Tết, việc người dân đốt hương, vàng mã như một nét văn hóa quen thuộc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, bên trong làn khói mờ ảo đó là những mối nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe con người.

Thành phần của hương không chỉ đơn thuần là vỏ cây, vỏ quả, thảo mộc hay đất sét mà còn chứa đựng một "hỗn hợp độc hại" các hóa chất công nghiệp như phẩm màu, lưu huỳnh, axit photphoric, chất tạo mùi, và đáng lo ngại nhất là vòng thơm benzene.

Những hóa chất này có thể gây kích ứng tức thời cho mắt, mũi, dẫn đến các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, khó chịu. Nghiêm trọng hơn, nếu tiếp xúc lâu dài, chúng sẽ âm thầm tàn phá hệ thần kinh, gan, thận và gây ra những tổn thương không thể phục hồi.

Đặc biệt, các chất độc hại này còn có khả năng tấn công các vật chất di truyền, gây biến đổi tế bào, đột biến gene, và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm, đặc biệt là ung thư phổi. Đáng báo động hơn, những loại nhang càng thơm, càng được tẩm ướp nhiều hóa chất độc hại thì lại càng trở thành "kẻ giết người thầm lặng", đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.

“Hít khói nhang nhiều còn gây bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, tổn thương mắt, chảy nước mắt rất khó chịu, tiếp xúc da lâu ngày cũng gây kích ứng hoặc nhiễm độc kim loại nặng”, BS Mạnh cho hay.

Hít nhiều hương khói tiêm ẩn nguy cơ mắc ung thư. Ảnh minh họa

Bác sĩ Mạnh phân tích, tương tự như khói thuốc lá và khói than, khói hương (nhang), đặc biệt là loại làm từ hóa chất, chứa đựng các hoạt chất độc hại như benzen, toluene và xylenes. Các hợp chất này gây ra những tác động tiêu cực đến hệ hô hấp.

Trong thành phần của hương nhang thông thường, các hợp chất benzen thường được sử dụng để tạo mùi thơm. Khi đốt cháy, các chất độc này sẽ kích thích và liên kết với bề mặt đường hô hấp, dẫn đến viêm hô hấp mãn tính.

Quá trình này có thể phá hủy các tổ chức cơ thể, gây biến đổi tế bào và biến đổi gen, tạo tiền đề cho các hiện tượng dị sản và loạn sản. Nghiêm trọng hơn, khi các tế bào này trở thành ác tính, chúng có khả năng phát triển thành tế bào ung thư.

Trước đây, hương nhang thường được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như gỗ hương liệu (trầm hương), bột quế, hoa ngâu, mùn cưa chọn lọc và các vị thuốc bắc. Khi đốt, những loại hương này tỏa ra mùi thơm tự nhiên, ít gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, hiện nay, do sự khan hiếm và giá thành cao của các nguyên liệu tự nhiên, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng các tạp chất và hóa chất tẩm ướp để tạo mùi thơm, nhằm mục đích tăng lợi nhuận. Điều này dẫn đến việc chất lượng hương nhang suy giảm và trở nên độc hại hơn.

Ths.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam

Vì vậy, vị chuyên gia khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc của hương nhang trước khi sử dụng. Ưu tiên lựa chọn các loại hương tự nhiên, không tẩm ướp hóa chất, có mùi thơm dịu nhẹ và dễ chịu. Cần sử dụng lượng hương vừa phải, tập trung vào lòng thành kính, không nên đốt quá nhiều. Khi cúng bái, nên mở cửa phòng để đảm bảo sự lưu thông không khí.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên tránh sử dụng các loại hương có màu sắc sặc sỡ như vàng đỏ, có nhũ kim tuyến hoặc có mùi hương quá nồng đậm, vì đây có thể là dấu hiệu của việc sử dụng hóa chất độc hại.

“Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người bị bệnh nền như ung thư, viêm phế quản phổi mạn nên hạn chế tiếp xúc nhiều với khói nhang”, BS Mạnh lưu ý.

Tin nổi bật