Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khoảnh khắc tiểu hành tinh bốc cháy, “thắp sáng” bầu trời vùng Yakutia của Nga

  • Đinh Kim (Theo RT, Reuters)
(DS&PL) -

Tiểu hành tinh di chuyển ngay phía trên thị trấn Olyokminsk, tạo ra một quả cầu lửa trước khi cháy rụi trong bầu khí quyển.

Reuters dẫn thông tin từ giới chức trách và các nhà khoa học cho biết, một tiểu hành tinh đã “thắp sáng” bầu trời vùng Yakutia xa xôi ở phía Đông nước Nga vào sáng sớm 4/12, tạo ra một quả cầu lửa trước khi cháy rụi trong bầu khí quyển.

Theo Sở tình trạng khẩn cấp tại Yakutia, tất cả các cơ quan chức năng đều được đặt trong tình trạng báo động khi tiểu hành tinh đến gần, tuy nhiên không có thiệt hại nào được báo cáo sau khi tiểu hành tinh lao xuống.

RT đưa tin, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra tiểu hành tinh này vào ngày 3/12 và đặt tên là COWECP5. Tiểu hành tinh di chuyển ngay phía trên thị trấn Olyokminsk, nơi có khoảng 10.000 cư dân, cách thủ đô Yakutsk của Yakutia khoảng 650 km về phía Tây Nam.

Tiểu hành tinh rơi xuống đã tạo thành vệt sáng trên sông Lena ở Yakutia, với một tia sáng chói trên bầu trời có thể nhìn thấy từ khoảng cách hàng trăm km.

Nguồn video: RT

Tạp chí New Scientist dẫn lời nhà thiên văn học Alan Fitzsimmons của Đại học Queen ở Belfast, cho biết trước khi quả cầu lửa xuất hiện, đây "là một tiểu hành tinh nhỏ nhưng vẫn rất ngoạn mục, có thể quan sát được từ cách xa hàng trăm km".

Trên nền tảng X (trước đây là Twitter), Cơ quan vũ trụ châu Âu cho hay tiểu hành tinh này được cho là có đường kính 70 cm và được phát hiện khoảng 12 giờ trước khi xuất hiện trên bầu trời. Theo cơ quan này, tiểu hành tinh đi vào bầu khí quyển lúc 1h15 (giờ địa phương).

"Nhờ những quan sát của các nhà thiên văn học trên khắp thế giới, hệ thống cảnh báo của chúng tôi có thể dự đoán được vụ va chạm này với độ chính xác +/- 10 giây", Cơ quan vũ trụ châu Âu cho biết. 

Đây là tiểu hành tinh thứ 4 va chạm vào bầu khí quyển trong năm 2024 nhưng nhỏ và không gây nguy hiểm. Theo một nghiên cứu năm 2017, các vật thể đường kính khoảng 18m có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Thiên thạch vỡ tan trên bầu trời thành phố Chelyabinsk của Nga năm 2013 có đường kính 17-20m. Vụ nổ của thiên thạch này gây ra sóng xung kích làm vỡ các cửa sổ trên mặt đất, khiến hơn 1.000 người bị thương và bỏng.

Tin nổi bật