Trên mạng xã hội, từ Facebook, TikTok cho đến các hội nhóm Zalo, không khó để bắt gặp những lời rao như: "Học phí chỉ 5 triệu, nhưng cam kết lợi nhuận gấp 10 lần sau một tháng", hay "Chỉ cần học vài buổi là đủ kỹ năng kiếm tiền mỗi ngày từ sàn chứng khoán".
Những "giảng viên" trong các lớp này thường có profile lung linh: Ảnh chụp cùng siêu xe, đồng hồ tiền tỷ, video livestream hô hào lệnh mua bán cổ phiếu như thể đang cầm lái thị trường. Song thực tế, đây thường là những màn kịch được dàn dựng bài bản với mục tiêu duy nhất – "lùa gà".
Theo tìm hiểu của PV, sau buổi học miễn phí đầu tiên – vốn chỉ là những lý thuyết chung chung, họ được đưa vào các "nhóm kín". Tại đây, các "chuyên gia" liên tục tung tin về các mã cổ phiếu được cho là "chuẩn bị tăng mạnh", thậm chí thúc giục học viên mua càng nhanh càng tốt để "không bỏ lỡ sóng".
Những mã cổ phiếu này phần lớn đã được nhóm đứng sau gom hàng trước đó. Khi dòng tiền của các "gà mờ" đổ vào, giá bị đẩy lên, ngay sau đó, "cá mập" âm thầm xả hàng. Giá cổ phiếu rơi tự do, người học lỗ nặng – còn "chuyên gia" thì biến mất, để lại lời hứa hẹn mơ hồ "lần sau chắc chắn chuẩn hơn".
Hiện nay, còn có nhiều trang fanpage bán khóa học chứng khoán được rao với mức giá "siêu rẻ" chỉ từ 89 ngàn đồng nếu mua khóa học lẻ, 350 ngàn đồng nếu mua toàn bộ khóa học. Nhưng thực chất, đây chỉ là những bài giảng được tổng hợp lại từ các chuyên gia trước đó.
Thị trường đào tạo chứng khoán tại Việt Nam hiện nay đang trở nên lộn xộn và thiếu kiểm soát.
Ngoài ra, không ít fanpage và hội nhóm mọc lên với những cái tên gây chú ý như "Đầu tư sinh lời cùng Shark Hưng", "Sàn giao dịch chứng khoán 2025",… kêu gọi người tham gia đầu tư theo hình thức tương tự chứng khoán.
Theo tư vấn, giao dịch tại đây khá đơn giản, chỉ cần mua hoặc bán dựa trên tỉ giá chênh lệch của vàng thế giới và chỉ số chứng khoán NIKKEI mà đội ngũ chuyên gia đã phân tích. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu từ 200 đến 300 ngàn đồng, sẽ được cho vào nhóm Zalo và được hướng dẫn chi tiết bởi "nhân viên hỗ trợ".
Theo lời quảng cáo, mỗi ngày có thể kiếm lời từ 250 ngàn đến 500 ngàn đồng từ số vốn ban đầu nói trên. Điều đáng lo là các lớp học chứng khoán trá hình này mọc lên như nấm. Không cơ quan nào kiểm duyệt nội dung giảng dạy, không đơn vị nào chịu trách nhiệm khi học viên mất trắng tiền – cả học phí lẫn tiền đầu tư.
Nạn nhân thường là sinh viên, người lao động với mức thu nhập trung bình, hoặc các nhà đầu tư F0 thiếu hiểu biết về thị trường. Sự nhẹ dạ, cộng với tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), đã biến họ thành "gà lý tưởng" cho những đường dây lừa đảo chuyên nghiệp.
Thị trường chứng khoán là một sân chơi khốc liệt, không phải nơi để tìm kiếm sự may rủi. Một khóa học nghiêm túc sẽ không bao giờ cam kết lợi nhuận, càng không dạy bạn "mã cổ phiếu chắc ăn".
Những chuyên gia chân chính sẽ dạy bạn cách phân tích kỹ thuật, đánh giá doanh nghiệp và quản lý rủi ro – chứ không bao giờ vẽ ra giấc mơ triệu phú sau vài buổi học. Trong khi cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát toàn bộ những lớp học tự phát này, người chơi chứng khoán cần tỉnh táo hơn bao giờ hết.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân hiện là Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM; Ủy viên Ban chấp hành Hội Tài chính - Ngân hàng Việt Nam cho rằng, thị trường đào tạo chứng khoán hiện nay đang trở nên lộn xộn, với sự xuất hiện tràn lan của các lớp học thiếu kiểm soát.
Theo ông, nhiều lớp dạy chứng khoán hiện nay được mở ra bởi những cá nhân không có chuyên môn thực sự, thậm chí lợi dụng danh nghĩa "đào tạo" để tổ chức các chiêu trò "lùa gà".
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng người học cần học đúng nơi đúng cách.
Mức học phí có thể rất thấp, nhưng mục tiêu thực sự lại là dẫn dụ học viên tham gia vào các nhóm kín đầu tư, đóng phí hàng tháng để nhận mã cổ phiếu – mà phần lớn kết quả là thua lỗ. Đối tượng dễ bị cuốn vào những lớp học kiểu này thường là các nhà đầu tư mới, còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức nền tảng.
Họ tham gia với mong muốn "học để biết", nhưng lại bị dẫn dắt theo hướng sai lệch, thậm chí là mạo hiểm. Nhiều người không chỉ bị lôi kéo vào đầu tư cổ phiếu mà còn bị dụ dỗ tham gia các lĩnh vực như ngoại hối hay tiền ảo – trong khi đây là những thị trường chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lừa đảo.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị, nếu muốn học bài bản, chỉ cần khoảng 4 – 5 triệu đồng là đã có thể tham gia các khóa học cơ bản tại những nơi uy tín như các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc tổ chức trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Quan trọng nhất, là người học phải tỉnh táo lựa chọn địa chỉ đào tạo phù hợp, không nên vì học phí rẻ mà "tiền mất tật mang".
Một lời cảnh báo được ông nhấn mạnh là, tuyệt đối không nên tin vào những lớp học hoặc cá nhân "hô hào" kiểu "mua mã này – bán mã kia để chắc lời". Đây gần như chắc chắn là những chiếc bẫy tài chính.
Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm vẫn có thể gặp thua lỗ, thì không có chuyện ai đó chỉ đường bạn đi tới thắng lợi dễ dàng. Kiến thức đầu tư là để hiểu thị trường, chứ không phải để chạy theo lời phím hàng hay "đội lái".
Trước thực tế nhiều bà nội trợ, sinh viên hay người trẻ cũng đang đổ xô học các lớp đầu tư, PGS.TS Huân cho rằng, chứng khoán là đầu tư phần ngọn.
Để thực sự hiểu và tham gia hiệu quả, người học cần nắm chắc kiến thức nền tảng về kinh tế – từ vi mô, vĩ mô cho đến cấu trúc thị trường tài chính. Những ai chưa có "gốc rễ" mà chỉ học qua vài buổi ngắn hạn thì rất khó để vận dụng đúng.
Với các đối tượng như sinh viên hay người mới bắt đầu, ông Huân cho rằng họ nên tham gia các khóa học phổ cập kinh tế trước. Từ đó, mới xây dựng nền tảng vững chắc để tiếp cận đầu tư một cách bền vững và an toàn hơn.
Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Hãng luật Big-Boss Law nhận định nhiều rủi ro khi người học rơi bẫy.
Luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Hãng luật Big-Boss Law cho rằng, trong làn sòng làm giàu từ chứng khoán, nhiều người trẻ đã vô tình rơi vào bẫy những "chuyên gia tài chính" tự phong. Dưới danh nghĩa "lớp học đầu tư", hàng loạt chiêu trò lừa đảo tinh vi đã xuất hiện, đánh đúng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng của các nhà đầu tư F0. Tuy nhiên, đằng sau đó người học đối diện nhiều rủi ro pháp lý nghiêm trọng.
Như: không ràng buộc pháp lý, hầu hết các lớp học không ký kết hợp đồng đào tạo chính thức, không có bất kỳ ràng buộc pháp lý rõ ràng nào giữa người học và "giảng viên", người học chuyển khoản học phí qua tài khoản cá nhân, không có hóa đơn, chứng từ, điều khoản cam kết rõ ràng. Khi có tranh chấp người học gần như không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lợi.
Lộ thông tin cá nhân: Người học thường cung cấp: Căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoáng, hình ảnh cá nhân, các thông tin khác .... dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mở các tài khoản trái phép sử dụng vào các hoạt động lừa đảo hoặc bán thông tin dữ liệu cá nhân trái pháp luật.
Nguy cơ tiếp tay cho tội phạm: Tin vào các "chuyên gia", người học dễ bị dẫn dụ, lôi kéo, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật như nguy cơ thao túng thị trường chứng khoán; tiếp tay cho các hoạt động rửa tiền, lừa đảo, hoặc huy động vốn bất hợp pháp. Tùy mức độ vi phạm người học có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 và Điều 290 Bộ Luật hình sự.
Luật sư Mai Tiến Luật khuyến nghị người học chỉ nên tham gia các khóa học có pháp nhân rõ ràng, được cấp phép. Cần yêu cầu hợp đồng đào tạo cụ thể, cần phải kiểm tra kỹ thông tin đơn vị tổ chức (tên công ty, mã số thuế, địa chỉ đăng ký....), không chuyển khoản cho cá nhân lạ.
Tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản chứng khoán, không cung cấp CCCD, thông tin đăng nhập, hình ảnh hoặc ủy quyền đầu tư cho người không rõ nhân thân, lai lịch. Đặc biệt, hãy tỉnh táo trước các lời hứa hẹn "lợi nhuận cao, làm giàu nhanh chóng ...".
Cơ quan chức năng cần siết chặt và kiểm soát hoạt động đào tạo chứng khoán trên không gian mạng, xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức hoạt động không phép; Xây dựng cơ sở dữ liệu công khai về các tổ chức, cá nhân được phép đào tạo – tư vấn đầu tư tài chính để người dân dễ dàng tra cứu và tăng cường truyền thông để người dân nhận diện các hình thức lừa đảo mới.