Bà đã từng 10 lần nung dao đỏ để chặt đứt những ngón tay của mình.
Bệnh tật và bom đạn cướp mất 90\% sức khỏe, nhưng nghị lực và niềm tin đã giúp bà vượt lên hoàn cảnh.
Đứng trước căn nhà trị giá vài tỷ ở miền quê nghèo, tôi vẫn không thể tin đây là câu chuyện có thật.
Người ta bảo: "Giầu hai con mắt, khó đôi bàn tay", nhưng với bà Trần Thị Hằng, ở xã Hoàng Diệu, TP. Thái Bình thì khó cả tứ chi. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng hồng thời con gái giờ chỉ còn một đốt ngón cái. Đôi bàn chân co rút, ngắn cũn cỡn, đi lại khó khăn, cứ lật đà lật đật.
Gần 30 năm vật vã dưới tận cùng bể khổ, ở tuổi 70, bà mới được ngẩng mặt với đời.
Bà Trần Thị Hằng và bàn tay cụt ngón. |
Ngồi trong căn biệt thự hoành tráng ở vùng ven thành phố Thái Bình, nhớ về một thời lầm lũi trong tủi nhục để sống, những giọt nước mắt cứ lăn trên gò má. Bà Hằng bảo, cả đời ngụp lặn trong đau khổ mà không khóc được, giờ sướng một chút lại hay rơi nước mắt.
Bà Trần Thị Hằng sinh ra trong một gia đình kháng chiến. Bố từng là thầy giáo, rồi Chủ tịch xã Hoàng Diệu, bị địch bắn chết trong một trận càn, ngay trước mắt bà. Hình ảnh khủng khiếp ấy in đậm vào ký và nó đã biến bà thành người đàn bà có nghị lực thép.
Bé Hằng xưa kia học rất giỏi. Hồi đi thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã ra đề thi làm thơ ứng khẩu tự nhiên, bé Hằng đột nhiên nhớ đến cha rồi làm một bài thơ rất cảm động.
Bài thơ ấy có mấy câu: "...Cha tôi không về quê hương dạy được/ Nhưng cái chết đã dậy lòng yêu nước/ Cho cả những người không học lớp cha tôi/ Bài học máu xương người đã viết xong rồi/ Buổi kể chuyện ngoài giờ chiều thứ bảy...". Nhà thơ Tố Hữu khen hay và cho giải nhì.
Học rất giỏi nên Hằng được cử đi học Đại học Tài chính - Kế toán. Giữa mùa thu năm 1967, ra trường, Hằng cùng bạn bè khoác ba lô, vượt Trường Sơn vào tận Sài Gòn, Đồng Nai làm công tác thanh vận cho đồng bào vùng giải phóng.
Tháng 5/1968, do yêu cầu công tác, bà trở ra miền Bắc làm ở Ty tài chính Hà Tây.
Cuối năm 1972, khi đang quét dọn kho tàng thì máy bay Mỹ lao tới trút bom. Một mảnh bom cắt phăng mảng da đầu, một mảnh găm vào mông và một mảnh xuyên thủng bụng.
Căn biệt thự của người đàn bà tật nguyền. |
Bác sĩ phải cắt bỏ hơn 1m ruột bị nát bấy. Hằng nằm bất tỉnh trong bệnh viện suốt nửa năm trời. Do sức khỏe mỗi ngày thêm sa sút nên cơ quan giải quyết cho bà về chế độ "một cục".
Hồi về quê chồng ở Bắc Ninh, bà mang thai đứa con đầu, nhưng do sức khỏe yếu nên bị lên cơn sản giật. Gia đình nghĩ không thể cứu được nên sắm quan tài chuẩn bị làm tang ma.
Nhưng lúc bà hấp hối thì có một người đàn bà giàu sang tên là Tuyết, người Đông Du bế lên chiếc xe Com-măng-ca đưa đến bệnh viện Suối Hoa mổ cấp cứu. Không cứu được đưa bé, nhưng bà sống.
Mấy chục năm nay, bà Hằng cố công dò hỏi nhưng không biết người đàn bà tên Tuyết đó ở đâu để trả ơn cứu mạng.
Năm 1975, bà sinh Tú Anh trong tủi hờn nước mắt, bởi chồng đã bỏ đi theo gái. Gia đình chồng cũng hắt hủi, ghẻ lạnh.
Bà Hằng bên căn nhà sang trọng vùng ven thành phố Thái Bình. Ảnh Thu Hòa. |
Không có tiền, không ai chăm sóc, đẻ xong, bà phải lần đến từng giường của những người bệnh khác để xin ăn từng mẩu bánh mì, từng miếng cơm thừa cho con có sữa bú.
Bà lặng lẽ bế đứa con đỏ hỏn với nước mắt nhạt nhòa vừa lang thang xin ăn, vừa tìm đường về quê mẹ. Người mẹ bệnh tật, nằm co quắp trong ngôi nhà hoang nhìn thấy đứa con tàn tạ mà không nói nên lời, hai mẹ con cứ ôm nhau khóc ngặt.
Tài sản mẹ để lại cho bà gồm mảnh vườn nhỏ xíu, ngập nước cùng cái ao rộng 3 sào, sâu như thùng đấu. Đứng bên bờ ao mênh mông nước mà bà ngẫm nghĩ mông lung: Bắt đầu sống thế nào đây?
Bà chặt hạ những cây chuối hột trong vườn, kết lại thành bè, chốt xung quanh bằng những cọc tre rồi dựng lên túp lều lợp bằng rạ. Mỗi khi mưa lớn, nước trên đồng tràn vào ao, ngập khắp vườn, chiếc bè chuối của mẹ con lại nổi lên, dập dềnh trên mặt ao.
Bà chỉ có chiếc nón mê, mấy chiếc áo vá chằng vá đụp mà chống lại những mùa đông rét căm căm, gió lạnh lùa tứ bề.
Đã có không ít lần giông bão, gió thổi bay cả mái rạ, đánh tan bè chuối, mẹ con bà lóp ngóp bơi như đàn chuột tội nghiệp giữa cơn xoay vần của tạo hóa.
Nhiều đêm không ngủ, nằm ôm con ủ ấm, bà buồn đời làm những câu thơ như thế này: "Túp lều nát rùng mình trong giá rét/ Chiếc nôi nghèo run rẩy giữa đêm giông/ Ai sẽ về chăm lo? Chẳng còn ai hết/ Tội nghiệp nỗi cô đơn trong đêm tối khóc thầm…".