Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khó thắng nổi IS, nếu chỉ dựa vào không kích

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Cuộc chiến chống “Nhà nước Hồi giáo” bao gồm các yếu tố chính trị-quân sự và Mỹ khó có thể giành chiến thắng, nếu chỉ dựa vào không kích.

(ĐSPL) - Cuộc chiến chống “Nhà nước Hồi giáo” bao gồm các yếu tố chính trị-quân sự và Mỹ khó có thể giành chiến thắng, nếu chỉ dựa vào không kích.

Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ vào lãnh thổ Syria.

Tổng thống Barack Obama nói các cuộc không kích do Mỹ lãnh đạo bên trong Syria là nhằm tiêu hủy “sào huyệt” của các phần tử khủng bố và quân đội Mỹ nói cuộc tấn công phối hợp này “rất thành công”.
Tuyên bố tại Nhà Trắng trước khi đi New York dự hội nghị tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Obama nói những mục tiêu không kích vào rạng sáng ngày 23/9 (giờ Việt Nam) cũng nhằm vào al-Qaeda, đặc biệt là nhóm của những chiến binh giàu kinh nghiệm có tên là Khorasan. Theo Tổng thống Obama, nhóm này đang vạch kế hoạch tấn công nước Mỹ.
Tổng thống Obama cho biết có 5 quốc gia Arập là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại các phần tử chủ chiến. Bahrain, Qatar, Saudi Arabia, Jordan, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã yểm trợ chiến dịch không kích tại miền đông Syria.
Trung tá Thủy quân lục chiến Jeff Pool, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với VOA rằng chiến dịch không kích sử dụng các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tên lửa Tomahawk từ tàu chiến bắn vào đất liền.
Ông Rami Abdulrahman, người đứng đầu “Đài quan sát nhân quyền Syria” có trụ sở tại London, nói có ít nhất 300 người - trong đó có các thành viên của “Nhà nước Hồi giáo” và al-Qaeda thiệt mạng hay bị thương trong những cuộc không kích.
Phản ứng của Syria và quốc tế
Bộ Ngoại giao Syria nói phía Mỹ đã thông báo cho Đại sứ Syria ở Liên Hợp Quốc biết về các cuộc không kích trước khi xảy ra. Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời tướng Yahya Suleiman của Syria: “Các hãng thông tấn đã cung cấp những thông tin chính xác. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thực sự đã thông báo cho phía Syria biết kế hoạch của Washington về tấn công vào các vị trí của IS. Điều này là hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu mà Damascus đòi hỏi đối với các chiến dịch tương tự. Syria không phản đối các cuộc tấn công chống phiến quân IS. Điều chủ yếu là các chiến dịch phải được bàn bạc thống nhất với ban lãnh đạo đất nước. Trong trường hợp này, đã có sự thống nhất, vì vậy sự kiện này có thể được tiếp nhận một cách tích cực.”
Australia hoan nghênh chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu nhắm vào các mục tiêu của “Nhà nước Hồi giáo” ở Syria. Phát biểu ngày 23/9 trước Quốc hội Australia, Thủ tướng Tony Abbott nói rằng cần phải có một nỗ lực quốc tế để chống lại mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo: "Đây là một vấn đề toàn cầu. Có hàng trăm công dân Anh đang chiến đấu cho các nhóm khủng bố này ở Trung Ðông. Hàng trăm công dân Pháp và hàng trăm người từ các nước Ðông Nam Á đang chiến đấu cho các nhóm khủng bố này ở Trung Ðông. Đó là những người mang tư tưởng cực đoan và tàn bạo, và có nguy cơ trở thành thành những kẻ khủng bố ngay trên đất nước của họ”.
Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Những hành động này chỉ có thể được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Điều này không có nghĩa là chỉ ‘thông báo’ đơn phương một cách hình thức, mà phải được sự cho phép của chính phủ Syria hoặc có nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua”.
Theo các chuyên gia Nga, mặc dù Mỹ đã thông báo cho ban lãnh đạo Damascus, nhưng đòn tấn công này là một tiền lệ nguy hiểm.
Về ý định lật đổ chế độ Bashar al-Assad của Mỹ, nhà Đông phương học Nga Vyacheslav Matuzov nói: “Song song với việc tấn công vào các vị trí quân sự của IS, người Mỹ quyết định tài trợ, trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho cái gọi là phe đối lập ôn hòa Syria. Như vậy, Mỹ dự định tăng sức ép đối với chế độ Bashar al-Assad. Và cuộc tấn công chống những kẻ cực đoan có thể sớm phát triển thành tấn công vào quân đội chính phủ Syria. Bởi vì mục đích chính của Mỹ là lật đổ chính phủ Damascus, chứ không phải hủy diệt IS”.
Không thể thắng IS nếu chỉ dùng quân sự
Theo BBC, việc một số quốc gia Arập tham gia chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Syria cho thấy chiến dịch này không giống như lần Mỹ xâm lược Iraq lần trước. Xét theo một số khía cạnh, nó giống liên minh đã được thành lập để giải phóng Kuwait hơn và chiến dịch có lẽ sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Mỹ và các đồng minh đã bắt đầu một chiến dịch không thể dự đoán trước và không có gì chắc chắn.
Trong trường hợp của Iraq, không quân Mỹ dường như đã chặn bước tiến của IS, đặc biệt là ngăn không cho vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía bắc. Nhưng các hoạt động không quân của Mỹ vẫn chưa thực sự đuổi được IS ra khỏi đất Iraq.
Nó phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố.
Thứ nhất, sự có mặt tại chỗ của một lực lượng được đào tạo tốt và có động cơ để chiến đấu trực tiếp với IS và giành lại lãnh thổ. Lực lượng Peshmerga của người Kurd đang được trang bị và huấn luyện. Mỹ đang cố gắng khôi phục lại uy tín của ít nhất một phần trong quân đội Iraq, vốn đã sụp đổ khi phải đối mặt với những cuộc tấn công của IS. Nhưng điều này đòi hỏi sẽ mất nhiều thời gian.
Yếu tố quan trọng thứ hai là chính trị. Đó là lý do Mỹ từ chối giúp đỡ Iraq cho tới khi có một chính phủ đa thành phần được thành lập, mặc dù việc quản trị tốt hơn tại nước này một lần nữa sẽ phải mất khá nhiều thời gian.
Cuộc chiến chính trị cũng quan trọng không kém cuộc chiến quân sự. Khốn nỗi, không có chính phủ nào ở Syria được phương Tây chấp nhận và tệ hơn nữa là không có một kế hoạch chính trị thực sự nào cho tương lai của đất nước này.
Trong khi đó, IS đang kêu gọi một liên minh những người cực đoan Hồi giáo để tấn công các nước phương Tây cả ở nước ngoài và ở chính thủ đô của họ. Việc bắt giữ một người quốc tịch Pháp ở Algeria dường như là kết quả đầu tiên của chính sách này. Vì vậy, IS có một số lựa chọn sẽ làm cho nhiệm vụ của Mỹ và các đồng minh gặp nhiều khó khăn hơn.

Tin nổi bật