(ĐSPL) - Tại Hội nghị trực tuyến về những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã đề xuất UBND Thành phố cho thí điểm xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống hơn 400 camera trên các tuyến đường của thành phố. Nhiều chuyên gia cảm thấy e ngại trước giải pháp xử phạt này vì hiện chúng ta vẫn chưa hoàn thiện lộ trình xe chính chủ.
Công ty cho thuê xe tự lái phải dẹp tiệm?
Cụ thể, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã đề nghị UBND TP. Hà Nội cho Công an TP Hà Nội phối hợp với sở Giao thông Vận tải thí điểm xử lý vi phạm qua hình ảnh được các camera ghi lại.
Theo đó, các phương tiện bị phát hiện vi phạm qua camera sẽ được “tích” lỗi và việc xử lý được tiến hành khi chủ ô tô đến khám lưu hành. Trước mắt Công an TP.Hà Nội đề xuất thí điểm phạt ô tô trước, rồi đến xe máy. Theo Thiếu tướng Chung, khi công bố tiến hành xử phạt qua hình ảnh camera, ý thức người tham gia giao thông sẽ cao hơn.
|
Tiến hành phạt nguội, vi phạm giao thông có giảm?
|
Đề xuất liên quan đến hoạt động đi lại của người dân Hà Nội ngay lập tức được dư luận quan tâm. Anh Trương Quang Trung (39 tuổi, lái xe hãng taxi T.N, Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay có thực trạng là người dân ra đường, quan sát điểm dừng trước đèn đỏ nếu không thấy bóng cảnh sát giao thông (CSGT) đâu là bạt mạng phóng qua. Đề xuất này nếu trở thành hiện thực là một cách làm rất hay, sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của việc phạt nóng, giảm tiêu cực và nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Làm thế này, nhà nước còn có hình ảnh cụ thể ghi lại tránh bị thất thoát. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải nêu rõ, các hình ảnh này được công bố ở đâu? Có được công khai không? Mức phạt có công bằng không? Vì trong các trường hợp bị phạt thì có không ít những người làm trong cơ quan công quyền, có chức tước hoặc xe cá nhân nhưng có quan hệ quen biết được xử nhẹ khi nộp phạt. Chính vì thế, việc này cần được nghiên cứu kỹ và thông báo để mọi công dân đều được biết rõ ràng, cụ thể".
Không lạc quan như ý kiến trên, ông Hà Tuấn Nam (Giám đốc một công ty cho thuê xe tự lái ở đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: “Làm thế này thì phạt xe hay phạt người vi phạm. Dân cho thuê ô tô tự lái biết xoay xở thế nào. Sau khi khách thuê mấy tháng mới đi khám lưu hành thì làm sao truy lại mà gọi họ đến, yêu cầu họ nộp phạt được. Hay đơn giản như việc cho người này, người nọ mượn xe, khi đi đăng kiểm chủ xe lại phải chịu trách nhiệm thì ai muốn. Rồi trong trường hợp cơ quan phân cho mỗi người một xe thì biết ai phải chịu tiền phạt?".
Trên thực tế, phạt nguội vi phạm không còn là điểm mới. Hoạt động này đã được triển khai ở một số địa phương như TP.HCM, Thanh Hoá… Các địa phương chỉ cần đủ điều kiện và trang bị kỹ thuật, camera giám sát ở các điểm, nút giao thông công cộng thì có thể áp dụng việc xử phạt nguội.
|
TP.HCM đã thực hiện "phạt nguội" các trường hợp vi phạm.
|
Tuy nhiên, theo một đại diện cục CSGT đường bộ, việc phạt nguội sẽ gặp vướng mắc vì có nhiều xe chưa sang tên đổi chủ. Việc xử phạt qua tài khoản cũng gặp khó khăn vì chủ phương tiện cố tình trốn tránh, không hợp tác.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Tôi rất hoan nghênh việc đưa các tiến bộ khoa học vào để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Hiện nay công an xử phạt có rất nhiều áp lực, giao cho công an thu tiền càng phản cảm hơn nên đưa tiến bộ khoa học vào là rất tốt. Bước đầu có thể có những lúng túng nhưng chúng ta sẽ thay đổi dần dần".
Ông Thanh nhấn mạnh: “Về trang thiết bị kỹ thuật, cần phải nhập về những camera có chất lượng, lắp đặt từng vị trí cho đảm bảo. Sơ đồ đặt phải ghi hình được chính xác các phương tiện vi phạm lỗi. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là xử nguội nhưng đừng kéo dài thời gian quá lâu.
“Tôi nghĩ, trong một tuần sau khi phương tiện vi phạm cần phải báo ngay cho chủ sở hữu xe. Dù là xe thuê hay xe cho mượn sẽ xử lý được. Nói là nguội nhưng phải tức thì. Nhiều nước đã áp dụng hình thức này. Ở ta, nên chuyển về cho khu phố để đơn vị chính quyền và công an sở tại cùng can thiệp. Cần phải làm quyết liệt, rốt ráo thì mới xử lý được vi phạm. Bên cạnh đó, cần có sự chỉ huy thông suốt từ CSGT, cảnh sát khu vực phối hợp với các đoàn thể nhân dân tại địa phương để xử lý đến tận nơi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn giảm áp lực cho CSGT. Người CSGT chỉ có nhiệm vụ chỉ huy giao thông chứ không có nhiệm vụ xử phạt”, ông Thanh nói.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
|
“Khó phạt nguội vì còn nhiều điểm vướng”
Có một cách nhìn khác, chuyên gia giao thông TS.Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải phân tích: Việc xử phạt trực tiếp hay gián tiếp qua hệ thống camera giao thông là một việc tốt, tích cực song cũng phải tuỳ theo điều kiện của từng thành phố, đất nước mà triển khai. Ở Việt Nam hiện nay, hình thức phạt tại chỗ vẫn còn là phổ biến, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có đủ cảnh sát giao thông để tham gia kiểm tra xử phạt trên tất cả các tuyến đường, tuyến phố.
Việc sử dụng hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp việc kiểm tra, xử phạt được tốt hơn, không bị hạn chế về thời gian. Tuy nhiên, nếu không tìm đúng người vi phạm mà căn cứ giấy tờ, biển số ghi lại sẽ dẫn tới những bức xúc không đáng có. Đó là chưa kể hiện nay nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng gửi thông báo xử lý vi phạm nhưng chủ phương tiện vẫn cố tình trốn tránh do chưa có chế tài xử phạt qua tài khoản.
Theo TS. Thuỷ, việc phạt nguội còn có mấy điểm vướng. Thứ nhất, hệ thống camera của chúng ta không được tốt, không hợp lý, cho nên việc xác định các thông số không chính xác sẽ dẫn đến tranh luận.
Thứ hai là vấn đề xe chính chủ cũng chưa giải quyết xong hết. Giữa xe và chủ không phải là một nên giải quyết vấn đề không thoả đáng và không công bằng, không đạt được mục tiêu. Trong điều kiện giao thông dày đặc như thế, phương tiện giao thông quá nhiều, đường sá chật chội, hạ tầng yếu kém, hệ thống thông tin chưa hợp lý, hệ thống giao thông thông minh chưa được thành lập, chúng ta xử lý phạt nguội có thể đạt được những hiệu quả nhất định nhưng chỉ trong trường hợp đêm khuya, không phải cao điểm, đường vắng vẻ. Còn nếu dùng kỹ thuật để xử phạt trong những thời điểm đông đúc thì sẽ không hiệu quả và không khả thi.
Theo TS.Thuỷ, tốt nhất trong điều kiện hiện nay, lực lượng công an đã được bồi dưỡng và được hưởng chế độ thì nên để họ xử lý các vi phạm. Đặc biệt, lực lượng CSGT cần có mặt tại các ngã tư thường xuyên ùn tắc, điểm đen giao thông để giải thích cho người dân biết các lỗi vi phạm và xử lý tại chỗ.
Hạn chế được tình trạng mãi lộ trên đường? Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nếu camera quay được cảnh người vi phạm thì cũng quay được cảnh nhận tiền mãi lộ. Nếu xảy ra tình trạng CSGT nhận tiền mãi lộ, vòi vĩnh tiền của người tham gia giao thông thì cơ quan, đơn vị đó sẽ có chứng cứ xác thực để xử lý. |