Theo thông tin trên báo Tin Tức, thời gian qua, hiện tượng sạt lở hầu như xuất hiện liên tục hai bên bờ các sông chính ở Quảng Trị, bao gồm Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma và Ô Lâu.
Đáng chú ý, bờ các sông Thạch Hãn, Hiếu và Bến Hải có tốc độ xói lở rất nhanh, trung bình mỗi năm sâu vào bờ từ 10-15m. Tình trạng này khiến người dân ở các xã Triệu Long, Triệu Giang (huyện Triệu Phong), xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) đã phải di dời nhà ở.
Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho thấy, sạt lở bờ sông trên địa bàn đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4.520 hộ dân, trong đó có gần 1.000 hộ dân đang sống trong vùng rất nguy hiểm, chỉ cách mép sông dưới 20m.
Hàng năm trung bình dọc bờ sông trên địa bàn tỉnh có khoảng 35ha diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi. Nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó có các tuyến đường giao thông, công trình đê điều và các công trình văn hóa khác.
Bờ Thạch Hãn bị sạt lở, khiến ngôi nhà ở xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đổ ụp xuống sông. Ảnh: Tiền Phong
Hàng năm vào mùa mưa bão, bờ biển cũng bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư ven biển đoạn qua các xã Triệu Lăng, Triệu Vân (huyện Triệu Phong). Bờ biển các xã Trung Giang, Trung Hải (huyện Gio Linh) bị sạt lở cuốn trôi nhiều hàng quán kinh doanh dọc bờ biển, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất thổ cư và tuyến đường quốc phòng ven biển.
Đến đầu tháng 7/2024, tỉnh Quảng Trị có trên 133 km sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục xử lý, gồm: Gần 30 km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73 km sạt lở nguy hiểm, trên 33 km sạt lở bình thường.
Liên quan đến vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển nói trên, báo Tiền Phong dẫn thông tin từ ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết, những năm qua, mặc dù trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, UBND tỉnh Quảng Trị đã chú trọng thực hiện một số giải pháp để ứng phó, khắc phục và giảm thiểu thiệt hại.
Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, tuy trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế nhưng đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hơn 66 km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển, kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh, cải tạo môi sinh, môi trường, chỉnh trang đô thị phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, với tổng kinh phí hơn 872 tỷ đồng; trồng hơn 70 ha cây chắn sóng bảo vệ dọc các tuyến đê cửa sông và đê biển.
Song nguồn lực tỉnh không đủ, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương, trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương hàng năm phân bổ còn hạn chế và chưa thực sự kịp thời dẫn đến việc đầu tư nâng cấp sửa chữa chưa đồng bộ, chỉ giải quyết các vấn đề trước mắt, chưa thể đầu tư mang tính bền vững về lâu dài.
“Trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, xem xét tổng hợp, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư 62,593km chiều dài kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm với tổng kinh phí ước tính 1.214 tỷ đồng”, ông Hồ Xuân Hòe chia sẻ.