Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khi sách giáo khoa dạy hư trẻ em

(DS&PL) -

Sách giáo khoa (SGK) vốn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” để giáo dục tri thức, bồi đắp tình cảm, đạo đức cho học sinh.

Sách giáo khoa (SGK) vốn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” để giáo dục tri thức, bồi đắp tình cảm, đạo đức cho học sinh. Song năm nay thì khác, dù năm học 2020 - 2021 vừa diễn ra hơn một tháng, đã có quá nhiều phàn nàn, chỉ trích về việc bộ SGK Cánh Diều mới vừa đắt tiền, vừa “quá tải”, vừa nhiều “sạn”, thậm chí còn dạy hư trẻ em...

Cuốn Tiếng Việt 1 (tập một) của bộ SGK Cánh Diều (nhà xuất bản Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2020) có lẽ xứng tầm đứng ở vị trí best-seller (bán chạy nhất) năm nay. Nó đã khiến một phụ huynh có con đã lớn như tôi cũng phải lao ra nhà sách, mua về một cuốn để đọc xem thế nào. Và tôi thậm chí đã phải đi đến 4 nhà sách và cửa hàng đồ dùng học tập mới mua được nó.

Những người bán hàng nói với tôi rằng, sách đột nhiên được mua liên tiếp những ngày gần đây, trong khi các năm trước, thường sau khi khai giảng thì SGK sẽ bán rất chậm, chủ yếu phụ huynh mua thêm một cuốn để dạy con ở nhà, hoặc mua bổ sung nếu con làm mất.

Nguyên nhân là vì, sau hơn một tháng đưa sách mới vào dạy cho học sinh lớp 1, ngành Giáo dục đang nhận được quá nhiều phản hồi lẫn “gạch đá” dành cho chất lượng nội dung cuốn sách, ở khắp các diễn đàn báo chí lẫn mạng xã hội. Có thể nói không hề quá rằng, SGK Cánh Diều – cuốn Tiếng Việt 1 (tập một) giống như bát cơm nhiều “sạn” được đựng trong một chiếc bát ngọc đắt tiền – là sự đẹp đẽ về hình thức trình bày mà nhóm biên soạn từng tự hào.

Cuốn SGK Tiếng Việt 1 (tập một) đang gây tranh cãi

Thôi thì hãy tạm bỏ qua việc bộ SGK cải cách mới có giá đắt đỏ gấp 4 - 5 lần bộ cũ (vì lý do đẹp, và vì những chi phí do biên soạn, phát hành lần đầu), nhưng chất lượng nội dung lộn xộn, cẩu thả, ngô nghê, phản giáo dục... thì là vấn đề không thể biện minh.

Ở ngay tuần học đầu tiên, bài 9 Ôn tập (trang 21), sách đã dạy học sinh từ “cố đô” vốn là một từ Hán Việt khó đối với những đứa trẻ đang còn... mù chữ. Sang đến bài 10, sách lại dạy cây “Lồ ô” để minh họa cho phụ âm “l” của bài. Sao không phải là “hoa lan”, “hoa lê” mà phải là cây “Lồ ô” có khi nhiều người lớn còn không biết.

Đến bài 16 (trang 32), sách dạy từ “ghẹ” nhưng hình minh họa đích thị là con cua màu đen, mặc dù sách được in 4 màu. Đến bài 31 (trang 58) sách dạy con cua song hình minh họa thì có phần giống con ghẹ nhiều hơn.

Cuốn sách này còn lộn xộn ở chỗ để chỉ con gà con thì không gọi là gà con mà chỗ thì gọi là “gà nhí”, chỗ lại gọi là “gà nhép”. Từ ngữ còn nhiều chỗ ngô nghê: Con Quạ xưa nay vẫn kêu “Quạ! Quạ!” thì bây giờ những người biên soạn lại biến tấu thành “quà quà”; con lừa ở bài tập đọc Lừa và ngựa (trang 85) khi mệt quá bèn “thở hí hóp”... Tôi dám chắc người lớn còn khó hiểu từ “thở hí hóp”, sao nhóm biên soạn sách Cánh Diều lại bắt trẻ con học?

Rồi sự ngô nghê khó hiểu còn thể hiện ở bài tập đọc Chậm... như thỏ (trang 87), là bài thơ duy nhất trong cuốn sách: “Chó thì mổ mổ/ Gà thì liếm la/ Dữ như quả na/ Nhu mì gã cọp/Cò thì phốp phốp/Bò thì ốm o/Cá thì la to/Im như trẻ nhỏ/Chậm như cô thỏ/Lẹ như cụ rùa”. Mặc dù bài thơ được giới thiệu là phỏng theo “Vè nói ngược”, nhưng tôi thật sự không hiểu “liếm la”, “phốp phốp” là gì. Theo cách nói ngược của vè, có thể hiểu gà thì mổ mổ nhưng không thể hiểu vì sao chó lại liếm la (hoặc la liếm), bởi từ la liếm vốn là từ để chỉ phẩm chất xấu của con người chứ không phải chỉ hành động bản năng của con vật. Tương tự, tôi có thể hiểu con cọp là dữ tợn nhưng tuyệt nhiên không đồng tình với quan niệm quả na là “nhu mì”.

Một bài học đang gây tranh cãi.

Trong bài tập đọc Chuột út sách này thậm chí còn gọi gà trống là “thú dữ”. Chuyện kể: "Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn đi ra sân. Đến trưa, về nhà, nó ôm mẹ kể: Mẹ ạ, trên sân có một con thú dữ lắm. Mũ nó đỏ, mỏ nhọn, mắt thô lố. Nó quát rõ to. Con sợ quá. Chuột mẹ đáp: Con thú đó rất hiền. Nó chỉ muốn đùa con". (Theo Lev Tôn- xtôi)". Bên dưới ví dụ là phần: "Đố em, con thú dữ Chuột út gặp là con gì?" và hình ảnh là con gà trống.

Thiết nghĩ, giáo dục trẻ em lớp 1 cần hướng tới những từ ngữ, diễn đạt trong sáng dễ hiểu chứ không nên dạy chúng những thứ vừa sai, vừa lắt léo, vừa đánh đố thế này.

Học sinh lớp 1 có phải là đối tượng cần dạy những câu chuyện ngụ ngôn chứa đựng triết lý sâu sắc hay chưa? Tôi cho rằng chưa nên, bởi vì chưa phù hợp. Bài tập đọc Hai con ngựa (trang 157 và 159) đang gây phẫn nộ bởi các nhà làm sách đã vội đưa triết lý “kẻ lười biếng, cơ hội sẽ bị gánh hậu quả từ chính sự lười biếng, cơ hội đó của mình” để dạy cho những đứa trẻ ở lứa tuổi có khi còn tiêu tiểu chưa tự chủ. Câu chuyện như sau:

"Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:

- Chị làm hùng hục như thế làm gì?

Ngựa ô ngạc nhiên:

- Không làm thì ông chủ mắng.

- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.

Ngựa ô lẩm bẩm: "Có lí lắm".

Câu chuyện đang gây phẫn nộ trong dư luận vì cho rằng sách dạy trẻ em thói lười biếng, ỷ lại. 

Đọc đến đây, tôi cảm thấy sốc nặng vì không hiểu sao cuốn sách “khuôn vàng thước ngọc” của cả một nền giáo dục quốc gia lại dạy trẻ em thói lười lao động, trốn tránh trách nhiệm, thói khôn lỏi như vậy. Lấy gì đảm bảo rằng những đứa trẻ được giáo dục tư tưởng này từ trong trứng nước, khi lớn lên lại không dõng dạc phát biểu như vị cán bộ Giáo dục bị bắt vì chạy điểm ở Hòa Bình: “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật”?

Nhưng sau khi đọc tiếp trang sau, tôi mới hiểu câu chuyện có hai phần. Phần sau viết: “Hửng sáng, bác nông dân đưa hàng ra chợ. Bác chất đồ đạc lên lưng ngựa ô. Ngựa ô không nghe, hí ầm ĩ. Bác nông dân nghĩ là nó mệt, bèn chất tất cả hàng sang lưng ngựa tía. Ngựa tía vùng vằng. Bác nông dân bực lắm, quát: “Làm đi!”. Ngựa tía chở nặng, ấm ức lắm nhưng đã muộn”.

GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên kiêm Chủ biên cuốn sách này – vừa đã lên báo phân trần rằng câu chuyện phỏng theo bài thơ ngụ ngôn Ngựa đực và ngựa cái của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi để chuyển tải ý nghĩa giáo dục. "Câu chuyện này có ý nghĩa nếu xúi người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả, không hề phản giáo dục", ông Thuyết nói. Song tôi vẫn cho rằng dạy như thế là quá sớm đối với học sinh lớp 1. Tôi nghĩ để hiểu được triết lý của truyện ngụ ngôn cần có kiến thức nền và có óc suy luận, là những thứ tuyệt đối không thể đòi hỏi ở lứa tuổi này. Đó là chưa kể, việc chia bài học ra 2 phần như trên là thiếu liền mạch, phá vỡ tính thống nhất của câu chuyện, gây ra sự phản cảm nhất định. Câu chuyện này và câu chuyện Cua, cò và đàn cá đều có nội dung phản cảm tương tự nhau. Truyện Cua, cò và đàn cá thì dạy học sinh thói lừa lọc, mưu mẹo:

"Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà:

- Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.

Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá".

Rồi trong nhiều bài học, sách dạy trẻ em nói những từ chỏng lỏn rất phản sư phạm. Thay vì nói "không lo gì, không có gì", sách dạy "chả lo gì, chả có gì". Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng vừa lý giải rằng vì đến bài học đó, học sinh chưa học đến vần “ông” nên chưa dùng được từ “không” mà phải dùng từ “chả”. Tương tự như vậy, sách phải dạy những từ "nhá cỏ, nhá dưa" bởi các em chưa học vần "ai" để dùng từ "nhai"...

Tôi cho rằng lời giải thích này khá hài hước, giống như người ngọng “L thành N” nhưng cứ hay dùng những từ “nực nượng” (lực lượng), “nũ nượt” (lũ lượt) mà không chịu dùng những từ thay thế kiểu như “đội quân”, “đông đúc”... Tiếng Việt mình rất giàu có về kho từ đồng nghĩa khác âm cơ mà, thưa GS. Thuyết?

GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên bộ SGK Cánh Diều kiêm Chủ biên cuốn Tiếng Việt 1 (tập một).

Tôi đồng ý với GS rằng làm SGK không thể “đẽo cày giữa đường”, song trước quá nhiều phản hồi của phụ huynh và giáo viên, ông không nên khẳng định “nhóm biên soạn đã làm rất kỹ”. Cũng như, ông không nên cho rằng “việc hiểu nội dung truyện như thế nào còn tùy thuộc quan điểm mỗi người. Ví dụ, khi đọc truyện Cua, cò và đàn cá, một số người bảo sách dạy học sinh tính lừa lọc của cò khi nói dối để chén hết đàn cá. Tuy nhiên, bài học rút ra từ câu chuyện dân gian này là không nên nhẹ dạ nghe lời của người lạ, dạy trẻ cảnh giác với người xấu”. Tôi nghĩ rằng, đã là “khuôn vàng thước ngọc”, SGK chỉ nên có một cách hiểu trong sáng, tích cực nhất, không thể để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu được.

.....

Cứ tưởng sau mỗi lần cải cách giáo dục ngốn nhiều tỷ đồng ngân sách quốc gia, chương trình học dành cho học sinh sẽ ngày càng được nâng cao và có tính giáo dục tốt hơn. Tuy nhiên thực tế những năm qua cho thấy, chương trình học mới liên tục thay đổi khiến người dạy cùng người học vừa không thể kịp thích nghi, vừa thất vọng vì chất lượng phần nào đi xuống, thậm chí còn không bằng sách cũ.

Viết đến đây tôi lại nhớ cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 mình được học cách đây mấy chục năm với những bài thơ trong sáng, lay động mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in: “... Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ Đã nuôi em khôn lớn từng ngày Tay bồng bế sớm khuya vất vả Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay”.

Lớp 1 ơi lớp 1

Đón em vào năm trước

Nay giờ phút chia tay

Gửi lời chào tiến bước

Chào bảng đen cửa sổ

Chào chỗ ngồi thân quen

Tất cả chào ở lại

Đón các bạn nhỏ lên...”

Dư luận lên tiếng thì bộ GD&ĐT cần giải đáp

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam - cho biết, ông không hiểu tại sao lại có những sai sót không đáng có, không phù hợp. Có những nội dung phản cảm không đúng với trẻ em trong chương trình sách giáo khoa mới như vậy.

"Chủ biên bộ sách này có lên tiếng giải thích. Tuy nhiên, việc thanh minh này không thuyết phục đối với dư luận. Để một bộ sách chương trình mới gây bức xúc dư luận, sai sót như vậy thì Tổng chủ biên sẽ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên, đồng thời người soạn chương trình bộ sách này cũng phải cùng gánh trách nhiệm”, ông Dong nhận định.

Hơn nữa, đây là một sai sót quá lớn, mà đặc biệt bộ sách này được đánh giá cao hơn 4 bộ sách còn lại. Ngoài ra, bộ GD&ĐT còn để sai sót khi không có hội đồng xem xét lại toàn bộ chương trình các bộ sách. Theo ý kiến của GS. Phạm Tất Dong, bộ GD&ĐT chỉ nên chọn 1 bộ là chính, các bộ còn lại chỉ nên để tham khảo. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thấy mỗi bộ sách có những 1 - 2 bộ sách tham khảo riêng, như thế vừa lãng phí, vừa vô bổ.

“Chúng ta đang thấy hệ thống bộ GD&ĐT trong việc thẩm định bộ sách này có vấn đề chứ không riêng gì một khâu nào cả. Bây giờ dư luận lên tiếng thì bộ GD&ĐT cần giải đáp, nếu không thì cần cả Quốc hội giải đáp, vì khâu cuối duyệt cả 5 bộ là Quốc hội”, ông Dong nêu ý kiến.

Minh Minh - Lê Liên

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 164

Tin nổi bật