Câu chuyện anh đánh giày câm và chú chó mù trong những ngày qua đã khiến đông đảo cộng đồng mạng nói riêng và xã hội nói chung không khỏi xúc động. Ai cũng muốn góp phần dù chỉ là nhỏ nhoi để giúp đỡ cho anh đánh giày tốt bụng. Thế nhưng giúp thế nào mới đúng, mới thực sự tốt cho anh lại là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.
Sáng hôm nay, trang chủ Facebook của tôi tràn ngập chuyện người đàn ông đánh giày Trần Khắc Ân và con chó mù. Một câu chuyện cảm động và khiến cho bất kì ai cũng cảm thấy ấm lòng, và phần lớn trong số họ (có cả tôi) muốn làm một cái gì đó để giúp anh.
Đúng như tôi đoán, chỉ sau đó vài tiếng, có rất nhiều bạn đã chia sẻ chuyện họ đã đến và tìm cách giúp anh: bằng cách cho tiền, bằng cách mời anh ăn, bằng cách trả tiền ăn trước cho anh. Và anh, người đánh giày nghèo với một bàn tay sưng phù, từ chối sự giúp đỡ theo cách ấy.
Anh Trần Khắc Ân và chú chó mù. |
Và cũng đúng như tôi đoán, một số người nghèo xung quanh anh bắt đầu cảm thấy khó chịu với sự chú ý mà anh nhận được. Họ bắt đầu để ý xem anh được cho bao nhiêu tiền, họ bắt đầu mỉa mai sự “giàu có” của anh.
Điều này khiến tôi nhớ đến lần đi theo nhóm Room to Read về Trà Vinh. Trên xe khi ấy có tôi và bốn cô gái nữa. Chúng tôi nói về lòng nhiệt huyết của mình để giúp đỡ các em bé ít có điều kiện tiếp cận với sách vở tại đây, và rồi chúng tôi nói về sự khó khăn và nghèo khổ của cha mẹ các em, rồi chúng tôi nói về hạnh phúc khi sống ở nông thôn. Khi ấy, một trong số các cô gái đã hỏi: “Chúng ta cứ nghĩ rằng mình đang giúp đỡ họ. Nhưng họ có thật sự cần đến sự giúp đỡ đó không? Nhỡ họ đang rất hạnh phúc với những gì họ có thì sao?”
Tôi cũng nhớ đến câu chuyện của James Robertson, một người đàn ông sống ở Detroit, Mĩ. Anh làm cho một nhà máy với mức lương 10,55 USD/giờ. Thu nhập của anh không đủ để anh có một chiếc xe hơi và trả thuế cho nó. Vì thế, mỗi ngày, anh phải đi bộ hơn 20 dặm để đi làm và trở về nhà – một căn phòng trong nhà bạn gái.
James Robertson (Ảnh: Internet). |
Một tờ báo địa phương kể lại câu chuyện của anh, Internet biến nó thành câu chuyện lớn, một trang gây quỹ mở ra một tài khoản quyên góp cho anh. Sau vài ngày, anh đã có số tiền 350.000 USD, đủ để anh mua một ngôi nhà, một cái xe ở gần nơi anh làm việc. Tuy nhiên, trước khi số tiền đó đến tay anh, cuộc sống của anh đã đảo lộn.
Vì anh sống trong một khu dân cư nghèo khó với tỉ lệ thất nghiệp là 40\%, khi mọi người biết anh có tiền, tiền trên trời rớt xuống, họ bắt đầu đến xin xỏ. Cô bạn gái đòi anh tiền, chồng cũ và con trai cô ta cũng vậy, những người thuê chung trong nhà cũng vậy. Anh nhận cái xe mới, tình cờ đi lấn sang nhà hàng xóm, người ta cũng đòi anh tiền.
Người quản lí số tiền của anh gọi cho một nhà báo, nói rằng chuyện cái xe bị đánh cắp chỉ là ngày một ngày hai. Bản thân James có thể sẽ bị cướp hoặc giết. Ngay trước khi anh nổi tiếng, một người hàng xóm của anh đã bị đâm chết vì có tin đồn ông trúng xổ số. Nhà báo vội gọi cho cảnh sát, và cảnh sát phải trông hộ cái xe của anh, phải cử nguyên đội đi bảo vệ khi anh thu dọn đồ đạc để chạy trốn khỏi nhà bạn gái.
James Robertson nói: “Với tôi tiền chẳng có ý nghĩa gì, cha tôi đã dạy tôi như vậy. Nhưng với một số người khác, mạng người cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Anh có tiền, nhưng anh mất đi toàn bộ sự bình yên, anh mất đi người bạn gái mà anh nghĩ mình đã từng có.
Tôi đang băn khoăn tự hỏi, sự chú ý thái quá của chúng ta, những đồng tiền chúng ta ào ạt mang đến cho người đánh giày và con chó mù liệu có làm đảo lộn cuộc sống của anh hay không? Sự giúp đỡ luôn cần thiết, nhưng sự giúp đỡ đó phải đến theo một cách mà người chúng ta muốn giúp đỡ cần. Tôi thấy thật may mắn làm sao, khi anh đã từ chối những sự giúp đỡ ấy.
Theo SKCĐ
Xem thêm video:
[mecloud]ue29Y9awh7[/mecloud]