Trong hai năm trở lại đây, tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có nhiều vụ công an, điều tra viên bị truy tố, do sử dụng nhục hình với nghi can. Điều đó thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, nhưng cũng cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật.
Nguyên sĩ quan công an Lang Thành Dũng ra tòa, lãnh án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Dùng nhục hình với ông Nguyễn Trường Vũ - Ảnh: D.T |
Dư luận tại tỉnh Phú Yên rất quan tâm vụ án có đến 5 sĩ quan công an bị truy tố tội Dùng nhục hình, đang chờ ngày ra pháp đình.
Trong số 5 bị cáo, có 1 người thuộc Công an tỉnh Phú Yên là Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH). 4 người còn lại của Công an TP. Tuy Hòa gồm: Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, đội phó đội CSĐT tội phạm về TTXH), Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy thuộc đội CSĐT tội phạm về TTXH), Đỗ Như Huy (nguyên trung úy thuộc đội CSĐT tội phạm về TTXH) và Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra).
Nhiều vụ đánh nghi can thương vong
Theo hồ sơ, ngày 13/5/2012, tại cơ quan Công an TP Tuy Hòa, trong quá trình xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) về hành vi trộm cắp tài sản, 5 công an nói trên đã đánh anh Kiều. Chiều cùng ngày, khi được đưa đến Công an tỉnh Phú Yên để làm việc, thì anh Kiều choáng và chết trên đường đưa đi cấp cứu.
Tại Khánh Hòa, các cơ quan pháp luật ở huyện Vạn Ninh cũng đã khởi tố, bắt giam bị can Lê Minh Phát, nguyên công an viên xã Vạn Long, vì có hành vi truy bắt, đánh đập em Tu Ngọc Thạch (14 tuổi), tại trụ sở công an xã, khiến em này tử vong ngày 31/12/2013.
Trước đó, trong năm 2012, tòa án đã tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đối với Lang Thành Dũng, nguyên trung úy Công an TP Nha Trang, vì đã bắt nhầm hai ông Nguyễn Trường Vũ và Trương Chí Bình về trụ sở do nghi trộm cắp, rồi đánh đập đến mức ông Vũ phải đi cấp cứu. Cũng trong năm 2012, tòa án đã tuyên phạt hai nguyên sĩ quan Công an TP Nha Trang là trung úy Nguyễn Đình Quyết 9 tháng tù cho hưởng án treo, đại úy Trần Bá Tuấn mức cảnh cáo vì đã dùng nhục hình đối với bà Trần Thị Lan...
Ngày 20/2, thượng tá Lê Quang Thanh, trưởng Công an huyện Khánh Vĩnh cho biết, 3 công an xã Khánh Trung đã bị cho thôi việc vì “có vi phạm các quy định trong công tác”. Cụ thể, vào ngày 5/7/2013, anh Cao Văn Lệ (27 tuổi) và Cao Văn Tuyên (19 tuổi) bị Công an xã Khánh Trung gọi đến trụ sở, vì nghi trộm cắp. Tối cùng ngày, công an xã đưa anh Tuyên và anh Lệ vào Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cấp cứu, nhưng bác sĩ xác định anh Tuyên đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Anh Lệ nói anh và anh Tuyên đã bị 3 công an dùng dùi cui đánh vào tay, chân. Theo thượng tá Thanh, kết luận điều tra cho thấy anh Tuyên chết do bệnh lý phù phổi cấp, không phải do bị đánh.
Ông Nguyễn Trường Vũ - người bị Lang Thành Dũng đánh bị thương - Ảnh: V.T |
Đừng để vừa mất cán bộ, vừa mất uy tín
Tại các phiên tòa xét xử, khi được tòa hỏi vì sao lại dùng nhục hình, 3 nguyên sĩ quan Công an TP Nha Trang nêu trên đều lấy lý do nôn nóng phá án và không kiềm chế được sự nóng giận, khi các nghi can khai báo mâu thuẫn, lòng vòng!
Một lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa nói: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở anh em trong lực lượng của mình cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh. Áp lực công việc rất lớn, tội phạm lại lưu manh, xấc xược nên anh em dễ bức xúc, nổi nóng. Tuy nhiên, không phải vì nôn nóng phá án hay bức xúc mà công an lại vi phạm pháp luật. Cấm bức cung, nhục hình nghi can, phạm nhân là điều đã được luật quy định, nghiêm cấm từ lâu nay. Những vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Khánh Hòa, là những bài học rất lớn, rất đau xót cho lực lượng. Công an tỉnh tăng cường thanh tra và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở để không xảy ra vi phạm tương tự”.
Chiều 20/2, ông Nguyễn Chuyện, chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa trao đổi: “Công an nếu “mềm” quá thì những kẻ phạm tội sẽ vùng lên, do vậy lực lượng này cần trấn áp, điều tra tội phạm một cách kiên quyết, nhưng phải mưu trí và khôn khéo bằng những biện pháp nghiệp vụ chứ không phải là bắt người ta về trụ sở rồi đánh đập, nhục hình. Thời gian qua, không riêng Khánh Hòa mà còn một số nơi khác xảy ra các vụ công an dùng nhục hình với người khác, phải ra tòa. Hậu quả là ngành mất cán bộ, trong đó có những trinh sát, điều tra viên giỏi; bị mất uy tín vì người của cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật”.
Ông Chuyện cho hay, chiều 20/2, Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa họp triển khai kế hoạch giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Hiện, chưa có chương trình chi tiết, nhưng trong đợt giám sát này, Ban pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ lưu ý vấn đề công an dùng nhục hình; ngoài ra sẽ giám sát thường xuyên, liên tục vấn đề này để kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu phát hiện có vi phạm.
Thiếu tướng PHẠM VĂN HÓA (giám đốc Công an tỉnh Phú Yên): Cứ can phạm chết trong trại thì dư luận cho là do công an đánh Nhiệm vụ chính của công an khi giam giữ can phạm, nghi can là chống trốn, chống thông cung, chống suy kiệt, chống chết, chống tự sát trong trại. Nhưng ở Phú Yên , năm này năm khác cũng có các vụ người bị giam tự tử trong nhà giam giữ. Khách quan là do trại giam, nhà tạm giữ xây dựng theo mẫu, được mặt này thì yếu mặt khác. Ví dụ, thiết kế buồng giam chống trốn tốt thì lại dễ tự tử vì các song sắt cửa... Can phạm, nghi can vào trại thì tâm lý khác với bên ngoài, muốn tự tử thì thắt cổ không được cũng đập đầu, cắn lưỡi... Người bị tạm giam chết trong trại, thì dư luận luôn đặt vấn đề là bị công an đánh. Bởi vậy, chúng tôi chỉ đạo thường xuyên lực lượng công an nhà giam phải tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, ở các trung tâm quan sát buồng giam bằng camera cũng phải trực 24/24 giờ để khi phát hiện người bị tạm giam, tạm giữ có biểu hiện, hành vi tự tử thì can thiệp, xử lý kịp thời. Đối với phạm nhân mới đưa vào trại tạm giam, nhà tạm giữ thì không được giam lẻ, mà phải giam chung 2-3 người/buồng để họ giám sát, có gì báo kịp thời. Tôi thấy trang bị camera quan sát buồng giam là hiệu quả, nhưng ở Phú Yên chỉ mới trại tạm giam Công an tỉnh được trang bị một số máy, còn các nhà tạm giữ công an cấp huyện thì chưa có kinh phí. |
Những vụ chết người trong nhà tạm giữ * Sáng 20/10/2006: anh Phạm Văn Hồng (SN 1985), ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An ( Phú Yên), người bị bắt khẩn cấp một ngày trước đó do có hành vi đốt lưới đánh cá của một người trong thôn, được phát hiện đã chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An. Các cơ quan chức năng kết luận, anh Hồng chết do treo cổ tự tử. Do nghi ngờ anh Hồng bị đánh chết, người nhà anh cùng hàng trăm người khác, đã đưa quan tài lên thị trấn Chí Thạnh, đặt trên quốc lộ 1, trước mặt các cơ quan của huyện Tuy An, gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự trong hai ngày 21 và 22/10/2006. * Ngày 25/4/2011: anh Lê Anh Thắng (SN 1977), ở P.9, TP Tuy Hòa (Phú Yên), bị bắt ngày 24/4/2011, chết trong nhà tạm giữ hành chính thuộc trại tạm giam Công an tỉnh Phú Yên. Công an kết luận, anh Thắng chết do treo cổ tự tử. * Lúc 23h ngày 11/8/2011, anh Lê Văn Trận (SN 1985), ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa ( Phú Yên), một trong tám nghi can bị bắt vào ngày 11/8/2011 vì liên quan đến một vụ hiếp dâm, chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Đông Hòa, được xác định là tự tử. Gia đình anh Trận không nhận thi thể anh, vì cho rằng anh chết do nguyên nhân khác, nên công an đã tổ chức an táng. * Lúc 17h30 chiều 7/10/2013: chị Trần Thị Hải Yến (SN 1982), ở xã An Cư, huyện Tuy An ( Phú Yên), bị can trong vụ án “cố ý gây thương tích”, bị bắt tạm giam từ ngày 15/1/2013 ở nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên kết luận, chị Yến chết do treo cổ tự tử, nhưng gia đình chị Yến chưa đồng ý nên đang khiếu nại. |
Nguyễn Hương (theo Tuổi trẻ)