Theo tinh thần công văn mới đây của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thì gần 200 bệnh viện tư nhân trên cả nước đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, mất bệnh nhân.
Cơ quan BHXH Việt Nam vừa gửi công văn đến các bệnh viện tư nhân thông báo: Các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật không được khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế (BHYT) từ 1/1/2018.
Nhiều bệnh viện tư nhân khó khăn nếu không được thanh toán BHYT - Ảnh minh họa. |
BS Phạm Văn Vận, Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân VN lo lắng: Vấn đề thanh toán BHYT ở các BV tư nhân đã nói nhiều nhưng không giải quyết được.
BS Vận nói vui: “Tôi đang muốn bán BV đây, chứ quy định mới mà BHXH vừa gửi tới càng gây khó cho bệnh viện tư”.
Ý kiến chung của các BV tư đều cho rằng chính sách BHYT sửa đổi bổ sung “có vẻ” ưu tiên cho y tế công lập, o ép y tế tư nhân khiến các cơ sở này ngày càng khó khăn trong hoạt động.
Theo BS Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch hội Hành nghề y tư nhân TPHCM, chính sách BHYT sửa đổi, bổ sung cho thấy sự quyết liệt và mạnh mẽ của nhà quản lý y tế nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống chính sách mới này lại bộc lộ không ít bất cập.
Theo đó, người có thẻ BHYT đi khám bệnh trái tuyến tại các trạm y tế xã, phường và tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện khác (trong đó có phòng khám đa khoa tư nhân, phòng khám đa khoa khu vực...) sẽ không được thanh toán BHYT. Bệnh nhân BHYT đi khám, chữa bệnh trái tuyến ở phòng khám đa khoa tư nhân đều hụt hẫng khi phải tự thanh toán 100% chi phí khám bệnh.
Việc không chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT ngoại trú trái tuyến này khiến các bệnh viện, phòng khám tư không còn thu hút được bệnh nhân đến khám như trước đây, dù người dân có muốn chọn lựa vì nhận được dịch vụ tốt và chất lượng khám chữa bệnh cao. Điều này làm thiệt thòi quyền chọn lựa chính đáng của người dân mua BHYT.
Ngoài ra, chính sách khám chữa bệnh BHYT sửa đổi bổ sung có vẻ ưu ái cho khu vực y tế công lập và o ép khu vực y tế tư nhân. BS Tùng chỉ dẫn: "Việc chi trả BHYT phân theo xếp hạng bệnh viện chứ không dựa theo chất lượng dịch vụ cũng sẽ khiến y tế tư nhân không mặn mòi việc đầu tư chất lượng dịch vụ, đầu tư vào kĩ thuật cao vì thu sẽ không đủ bù chi. Chủ trương xã hội hóa của Nhà nước sẽ giảm tác dụng".
Ông Lê Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phòng khám đa khoa Sài Gòn bức xúc: “Các cơ sở y tế công không có BHYT vẫn được bảo hiểm chi trả 60.000đ cho lần khám chữa bệnh ban đầu, tại sao các cơ sở y tế tư nhân lại không được thanh toán như vậy? Vì sao các phòng khám tư nhân không được phân vào tuyến hạng ba như các trung tâm y tế công?”
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN) đã trả lời trong một cuộc tọa đàm diễn ra đầu tháng 12/2017, cho rằng vẫn còn tồn tại những hạn chế trong việc thực hiện chính sách BHYT đối với các cơ sở y tế tư nhân. Điển hình là Bộ Y tế chưa ban hành được thông tư quy định tiêu chí và xếp hạng bệnh viện cho các bệnh viện ngoài công lập, dẫn đến vướng mắc trong việc áp giá thanh toán, xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Bộ Y tế cũng chưa ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn, dẫn đến các vướng mắc trong quá trình giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, một số văn bản quy định về khám chữa bệnh của Bộ Y tế chậm được sửa đổi, bổ sung, ví dụ như mức giá một số dịch vụ kỹ thuật được phê duyệt theo Thông tư 37 chưa phù hợp với chi phí thực tế. Hiện có nhiều BV tư nhân kê thêm giường ngoài kế hoạch được phê duyệt. Nhiều BV thay đổi về nhân lực, có những bác sĩ từ BV công ra làm BV tư không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh.
Thời gian qua, một số BV tư nhân bị cơ quan BHXH từ chối thanh toán hàng chục tỷ đồng hoặc tạm dừng hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT… Nhiều cơ chế, chính sách lĩnh vực y tế vẫn còn là rào cản đối với hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), công văn đưa ra quá gấp, không có tính khả thi bởi theo quy định các BV tư đã ký hợp đồng với BHXH VN. Với gần 200 bệnh viện tư nhân hiện nay trên cả nước không được tái ký hợp đồng BHYT, người bệnh không biết đi đâu, điều này sẽ gây hỗn loạn.
Trong ngày 4/12, Bộ Y tế, BHXH, Bộ Tư pháp đã có cuộc họp với nhau, trong đó Bộ Y tế đề nghị BHXH rút công văn. Nếu cần sẽ báo cáo Thủ tướng việc này.
Minh Minh (T/h)