Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khắc nghiệt hủ tục “sinh đôi giết một”

(DS&PL) -

Người dân trên đỉnh Ngọc Linh nhiều đời vẫn giữ một hủ tục hà khắc: sinh đôi giết một. Khi người phụ nữ trở dạ và sinh ra hai đứa trẻ, một trong hai đứa buộc phải chết.

Người dân trên đỉnh Ngọc Linh nhiều đời vẫn giữ một hủ tục hà khắc: sinh đôi giết một. Khi người phụ nữ trở dạ và sinh ra hai đứa trẻ, một trong hai đứa buộc phải chết hoặc bị cách ly khỏi cộng đồng.

Tục cữ ấy đã trở thành một hủ tục đẩy những đứa trẻ vô tội và nhiều cặp vợ chồng vào sự bế tắc.

Trong nỗi ám ảnh bị trừng phạt và những hà khắc của luật tục ấy, có hai con người - hai cán bộ được bước ra ánh sáng nhờ đi học và trở thành những công dân đầu tiên bất tuân luật tục. Đó là A Bốt - cán bộ trạm truyền thanh Mường Hoong và A Tiên - phó bí thư Đảng ủy xã Ngọc Linh.

 A Bốt làm việc tại trạm truyền thanh Mường Hoong - Ảnh: T.B.D.

“Con mình thì mình thương”

Có một công dân làng dân tộc Châu ở xã Mường Hoong trong một đêm mưa lớn, trước sự lạnh nhạt của người làng sau ca sinh đôi, người đàn ông ấy đã cắn chặt môi bế hai đứa con còn đỏ hỏn, dẫn theo vợ con ra bìa rừng để quyết bảo vệ giọt máu của mình. Lần theo những địa chỉ mơ hồ, chúng tôi tìm đến trạm phát thanh xã Mường Hoong - một điểm tiếp sóng thuộc Đài truyền thanh truyền hình huyện Đắk Glei.

Ngôi nhà cấp bốn mục cũ, đen xỉ vì rêu nằm chênh vênh trên con dốc là tổ ấm cho cả gia đình A Bốt bấy lâu nay. Cho đến nay A Bốt là người dân tộc Châu duy nhất tại làng Châu làm cán bộ. Câu chuyện lạ lùng của người đàn ông Châu này cũng là câu chuyện về sự thay đổi của cả một ý thức hệ, khi những hà khắc của luật tục buộc phải nhường bước cho những tư duy tiến bộ.

A Bốt kể rằng ông từng đi bộ đội. Làng Châu chỉ có mấy chục túp lều, cũng chừng ấy thanh niên nhưng may mắn hơn, ông được Nhà nước cho đi học hết lớp 9 rồi theo đường vào quân ngũ. Năm 1986, chàng trai Châu của làng Đắk Rế đã là thiếu úy quân đội. Người ta thèm muốn chẳng được, vậy mà cái bản tính thích ngao du, không chịu ngồi yên một chỗ đã khiến Bốt từ bỏ môi trường quân đội, ra tìm công việc làm ngoài. Từ khi cởi áo sĩ quan, Bốt làm khắp nơi, từ chân kế toán đến cán bộ thủy điện, rồi dừng chân ở Đài phát thanh truyền hình Đắk Glei. Bốt kể rằng những năm 1995, khi ông trở về làng Đắk Rế của mình thì những nỗi ám ảnh về sinh đôi, tục kiêng cữ hà khắc của làng vẫn còn. Sinh đẻ là cái thuận theo ý Yàng, ý của tự nhiên mà người Châu thì cứ cho rằng hai đứa trẻ ra đời cùng một lúc là điềm xấu. Phải giết một. “Mình có đi học nên thấy đồng bào mình cứ tin những thứ như thế mình bực lắm, nhưng nói chẳng được”.

Năm 1997, ông cán bộ người Châu A Bốt đang ở làng Đắk Rế thì phải bụng cô gái Xê Đăng ở tận Đắk Tô tên Y Riêu. Thương Bốt, Y Riêu theo chồng về Đắk Rế. Một năm sau đám cưới, Y Riêu trở dạ trong sự háo hức đón chờ đứa con đầu lòng của chàng cán bộ người Châu. Nhưng đúng vào cái đêm Y Riêu trở dạ, trời bỗng đổ mưa như trút nước. Y Riêu được cho sinh ở nhà và người làng tá hỏa khi thấy dưới bụng người phụ nữ ấy, hai đứa trẻ đỏ hỏn được sinh ra.

“Đắk Rế bấy lâu nay mưa thuận gió hòa, lúa về đầy kho thóc. Y Riêu sinh đôi thì đó là cái điềm xấu lắm, phải giết đi một đứa thôi” - người làng lên tiếng. Nghe đến việc mất con, A Bốt kể rằng lúc đó “mình tức lắm, hét lên nói là bà con đừng có tin lung tung” nhưng không thuyết phục được người làng. Đêm hôm ấy, sau cuộc họp làng chớp nhoáng, nghĩ A Bốt là cán bộ, già làng nói với ông rằng nếu không giết một đứa thì phải sắm cái lễ cúng thật lớn để làng xả xui, rồi phải cữ làng thật lâu, tới khi nào cái lúa trên đồi được đưa về hết, thời gian đó Y Riêu không được đi chung lối với lối đi của làng, không được uống chung với dòng nước của làng.

Sau đêm trở dạ sinh nở, nhìn Y Riêu da dẻ nhợt nhạt, tái xanh vì kiệt sức, nằm dang hai cánh tay để hai đứa con bú những giọt sữa đầu đời - mà ngoài kia làng mình lại đòi giết, đòi phạt, đòi chia lìa, ruột A Bốt đau như cắt. “Con mình là người chứ không phải ma quỷ, phải cho người làng biết họ đã sai”. Sáng hôm sau, Bốt qua nói vài lời gì đó với già làng rồi bảo Y Riêu ẵm con đi, đi khỏi cái làng Châu xinh đẹp nhưng hà khắc ấy, đi để bảo vệ hai sinh linh bé bỏng của mình. Bốt đi miết, thấy cái bóng tròn dưới chân thì cắm cây gậy xuống đất và bảo vợ dừng lại làm nhà. Hai vợ chồng nương nhau dựng lều, gieo hạt lúa nuôi con.

A Bốt kể rằng từ khi ra khỏi làng dựng nhà ở riêng, lâu lâu nhớ làng ông vẫn trở về. Người Châu thương vợ chồng Bốt lắm nhưng chẳng dám vượt qua lề lối, quan niệm xưa cũ. Hai đứa con sinh đôi được hai vợ chồng hết mực thương yêu, chăm bẵm nhưng sau đó chẳng hiểu vì sao, một trong hai đứa lại ốm yếu đổ bệnh rồi chết. A Bốt bặm chặt môi tiếc con, Y Riêu khóc đến mấy tháng. Sống ở bìa rừng được một thời gian, khi trạm phát thanh ở Mường Hoong được xây dựng, thương Bốt nghèo khó, nhà cửa chưa có nên trạm đồng ý để Bốt đưa vợ con về tá túc.

A Bốt nói rằng không chỉ hai đứa con đầu của ông được sinh đôi mà đến năm 2005, vợ ông lại tiếp tục sinh cùng lúc một trai và một gái. Các con ông lớn lên như cây cỏ giữa rừng, không ốm đau bệnh tật gì, thương yêu đùm bọc nhau trước sự ngờ vực của người làng. “Hồi đó mình là người đầu tiên dám chống lại luật làng, sau đó mấy người nữa cũng làm giống mình. Con cái là của trời cho mà làng mình cổ hủ quá, bực lắm. Giờ thì khác xưa nhiều rồi” - A Bốt nói.

 A Bốt cùng vợ và con gái - Ảnh: T.B.D.

Hà khắc cữ làng

Phó bí thư Đảng ủy xã Ngọc Linh A Tiên cũng là người Xê Đăng đầu tiên ở đỉnh Ngọc Linh đã bước qua mọi hà khắc cấm kỵ, quyết liệt với làng để bảo vệ vợ con mình trước quan niệm sinh đôi giết một. A Tiên nói rằng người Xê Đăng quan niệm sinh đôi là điều xấu. Sự sinh nở của người đàn bà cũng là điều nhớp nhúa nên ngày xưa khi người phụ nữ chuyển dạ thì buộc phải một mình ra rừng để sinh. Sau ba ngày, đứa trẻ cùng người mẹ nếu vượt qua được những thời khắc sinh tử, khỏe mạnh thì mới được trở về làng nuôi nấng. Ngược lại, đứa trẻ sẽ buộc phải chết ở rừng. Người thai phụ nếu sinh đôi thì chịu những sự kiêng cữ vô cùng hà khắc, buộc phải giết một hoặc tách lìa khỏi làng. Vợ A Tiên là một trong những trường hợp như thế.

A Tiên cho biết cả hai vợ chồng ông đều là cán bộ ở xã. Năm 2005, sau nhiều năm kể từ ngày cưới nhau, Y Long - người vợ của anh - chuyển dạ và sinh cùng lúc hai đứa trẻ. Nghe tin Y Long sinh đôi, nhiều người làng hoảng hốt, không dám đến thăm nhà vì sợ xui xẻo. Tiên nói từ trước đến khi vợ ông sinh đôi, làng Xê Đăng nơi ông ở chưa có trường hợp nào tương tự. Đêm Y Long chuyển dạ, làng họp lại, sự lo lắng về nỗi tai ương ập đến với làng hiện rõ trên nét mặt người làng. “Nhưng cả A Tiên lẫn Y Long đều là cán bộ, là người của làng được đi học đàng hoàng thì phải đối xử khác” - già làng lên tiếng.

A Tiên nói rằng ông đã phải đấu tranh rất nhiều, giải thích rất nhiều để người làng hiểu. Thương hai vợ chồng đều là cán bộ, làng để A Tiên nuôi con nhưng buộc hai vợ chồng phải chịu đựng những hình thức kiêng cữ hà khắc: gần một tháng trời không được tiếp xúc với ai, đi lên rẫy phải đi vòng ra sau rừng rồi xuống ruộng, tuyệt đối không đi chung lối với làng trong những ngày cữ đẻ. Y Long cũng không được uống cái nước chung với làng, không được nấu ăn chung với gia đình - sống một cuộc sống hoàn toàn biệt lập. “Mình phải thuận theo ý làng, luật lệ sinh ra đã như thế rồi không thể tránh được dù mình biết cái đó là không nên” - A Tiên nói. A Tiên nói rằng từ ngày hai đứa con của ông sinh ra đến nay chưa có sự cố gì lớn trong làng, hai đứa con khỏe mạnh, lớn lên bất chấp sự hoài nghi của làng. Nhìn hai đứa trẻ khỏe mạnh, người làng cũng bỏ dần hủ tục kiêng cữ, hủ tục hà khắc về những đứa trẻ sinh đôi.

Tin nổi bật