Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khắc khoải mong Tết đoàn viên của những con người một thời lầm lỗi

(DS&PL) -

Ở đâu đó, vẫn còn những mảnh ghép dang dở đang từng ngày trả những lỗi lầm mà trong lòng khắc khoải mong một Tết đoàn viên ấm áp.

Ở đâu đó, vẫn còn những mảnh ghép dang dở đang từng ngày trả những lỗi lầm mà trong lòng khắc khoải mong một Tết đoàn viên ấm áp.

Các phạm nhân tại trại giam Quảng Ninh. Ảnh: Zing.vn

Chúng tôi ghé thăm trại giam Quảng Ninh (bộ Công an) vào một ngày đông se lạnh cuối năm, khi không khí Tết đã ngấp nghé, chuẩn bị gõ cửa từng nhà. “Quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”... những câu hát như thắp lên niềm hạnh phúc trước thềm Tết đến xuân về rộn ràng trên khắp phố phường. Niềm hạnh phúc ấy càng trở nên “réo rắt” với mỗi phạm nhân đang ở sau cánh cửa trại giam, xa mái nhà, có ai không mong mỏi bữa cơm gia đình, ngóng đợi đoàn viên đầm ấm.

Gửi thơ “cảm xúc đêm Giao thừa” cho gia đình

Trước khi vào đây, người chồng ấy chưa từng cầm bút viết một dòng thơ văn, vậy mà cảm xúc lẫn lộn nơi buồng giam đã dồn nén, tạo ra những vần thơ chân chất gửi về tặng vợ...

Đó là câu chuyện lãng mạn sau cánh cửa nhà giam của phạm nhân Đinh Đức Thuận (SN 1971, thường trú tại Uông Bí, Quảng Ninh). Thuận bị kết án 7 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

“Cái Tết đầu tiên năm 2017, tôi quá hụt hẫng khi không có gia đình bên cạnh. Chiều 30 Tết, ngồi trong này, tôi nhớ đến không khí sôi nổi ngày trước, anh em bạn bè đến với tôi, trong số đó, có cả những người khuyên tôi sống ngay thẳng, nhưng tiếc là đã muộn”.

 “Đêm Giao thừa đầu tiên trong buồng giam, tôi thương bố mẹ và nhớ vợ, nhớ con rất nhiều. Nỗi nhớ thương ấy xuất phát từ một sự day dứt, nhưng là đàn ông, tôi không muốn mình trở nên ủy mị”.

Thuận bảo, nhớ nhất là những lời bố dặn sau khi bị bắt, đơn giản là bố mẹ nào cũng thương con, khuyên con trai nên hợp tác để tháo gỡ. Hồi đầu, Thuận đã mất khoảng hơn một năm không muốn “chấp nhận” sự thật nghiệt ngã, sau này, mới dần thay đổi về tâm lý.

“Tôi đã phạm phải sai lầm quá lớn, đánh mất niềm tin của những người yêu thương tôi, phụ sự kỳ vọng, dạy dỗ của bố mẹ, khiến vợ tôi thêm vất vả. Nhưng bây giờ, sai thì nhận sai và chấp nhận chịu phạt, tôi cố gắng cải tạo thật tốt, mong được giảm án và sớm trở về với gia đình”, nam phạm nhân phân trần.

Thuận tâm sự: “Giao thừa là lúc hay yếu lòng, tôi lại nhớ về những bậc sinh thành. Mỗi năm qua đi, bố mẹ lại già thêm một tuổi, tôi lại thêm một năm chưa thể phụng dưỡng. Tôi tin rằng, đêm Giao thừa, cũng là khoảnh khắc bố mẹ nhớ mong tôi nhiều nhất”.

“Nghĩ lúc trước, mải mê chạy theo những suy nghĩ riêng tư mà đánh mất chính bản thân mình, tôi cũng xấu hổ trước gia đình. Ngày nào còn ở trong này là một ngày chưa thể tròn chữ hiếu với bố mẹ, chưa trọn chữ tình với vợ, chưa trọn trách nhiệm với các con”, nét mặt Thuận thoáng buồn rầu.

Ngừng một lát, Thuận có vẻ hào hứng hơn khi chia sẻ rằng, anh ta có hai cô con gái, con gái lớn đang học đại học, rất hiểu “gu” của bố, thỉnh thoảng vào thăm lại mang theo một cuốn sách tặng bố. Tính riêng những quyển sách dày vài trăm trang, cô con gái đã mang vào tặng bố cả chục quyển, trở thành những người bạn trong lúc “trống vắng” tại trại giam.

Có lẽ nhờ những trang sách bay bổng mà chất “nghệ” trong Thuận tự nhiên xuất hiện. Có lần, đêm Giao thừa, thao thức nhớ gia đình không ngủ được, Thuận đã bật dậy, “múa bút” được một bài thơ gửi ngay về cho bố mẹ và vợ. Đó chỉ là những dòng thơ đơn giản nhất, nhưng chứa đựng tâm tư sau cánh cổng sắt lạnh lẽo.

Nam phạm nhân bùi ngùi nhớ lại: “Tết của 2 năm trước, cảm xúc đêm 30 tự nhiên dào dạt, tôi sáng tác một trang thơ gửi về gia đình, như những tình cảm chất chứa tôi chưa từng nói trực tiếp. Tôi có viết một số câu: “Tết năm nay con lại chưa về/ Lòng bâng khuâng nhìn tờ lịch mới/Chục cây số mà đường xa tít tắp...”.

Việc tôi phải sống xa những người thân yêu cũng chỉ vì những phút bốc đồng, sa chân. Nhà tôi chỉ cách trại giam này khoảng 10 cây số, nhưng cảm giác lại muôn trùng cách trở. Tôi chỉ mong sớm được trở về, muốn làm gì đó bù đắp cho vợ”.

Do từng có thời gian công tác trong ngành giáo dục, được đào tạo cơ bản, sau khi nhận ra lỗi lầm và tích cực cải tạo nên hiện tại, Thuận được phân công về đội chuyên dọn dẹp vệ sinh, giúp việc cho cán bộ. Thuận bảo, đội của anh ta có khoảng chục phạm nhân nhưng đa phần cùng hoàn cảnh nên cũng thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Bên cạnh đó, ban Giám thị trại giam và cán bộ quản giáo thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần nên yên tâm “trả án”, mong ngày về để làm tròn đạo hiếu, trách nhiệm với gia đình.

Mong sớm được ăn bữa cơm đoàn tụ

Một trường hợp khác trong trại giam Quảng Ninh mà chúng tôi được tiếp xúc là phạm nhân Nguyễn Văn Kim (82 tuổi, trú tại huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) bị kết án 4 năm 6 tháng tù về tội Dâm ô trẻ em. Phạm nhân Kim cho biết, do đã có tuổi, sức lại yếu nên được cán bộ tạo điều kiện cho lao động nhẹ nhàng, mỗi khi “trái gió trở trời” được chăm sóc y tế chu đáo...

Trao đổi với chúng tôi, lão phạm nhân thổ lộ: “Tôi thương vợ tôi lắm chứ, chỉ mong bà ấy mạnh khỏe để chờ tôi về. Các con tôi đều ở riêng, hiện giờ chỉ có bà ấy tháng nào cũng vào thăm tôi. Tôi đi như này, chỉ có bà ấy ở nhà còm cõi một mình, tôi cũng thương lắm. Người ta vẫn nói là “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, vào đây, tôi nhớ vợ nhất”.

Phạm nhân Kim kể tiếp: “Năm vừa rồi là năm tôi đón cái Tết đầu tiên trong trại giam. Ở cái tuổi này rồi, nghĩ đến ngày Tết cổ truyền không được ở nhà, chỉ có mình bà ấy chuẩn bị cúng lễ “ông bà ông vải”, tôi cũng buồn cho mình mà cũng tủi thân thay cho bà ấy”.

Lão phạm nhân nhớ lại: “Các năm trước, mặc dù vợ chồng tôi không sống chung với các con, nhưng khi Tết đến xuân về, con cháu lại sum họp đông vui, có không khí lắm. Giao thừa ở trong này, tôi nhớ nhà, nhớ những bữa cơm”.

“Mình sai thì phải chấp hành. Vào đây, các cán bộ quản giáo cũng quan tâm, phân tích cho tôi hiểu quy định của pháp luật, các anh em phạm nhân cũng thương, giúp đỡ tôi. Tôi chỉ mong cải tạo tốt để sớm được trở về ăn bữa cơm ấm cúng cùng vợ, con cháu quây quần”, lão phạm nhân bộc bạch.

Sau cánh cửa trại giam, dù mang những lỗi lầm khác nhau, nhưng các phạm nhân đều khát khao mong chờ ngày được tự do, trở về nhà đón Tết đoàn viên.

NGUYỄN HƯỜNG – THỦY TIÊN

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

Tin nổi bật