Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Kẻ giết người ở Hải Dương tự tử, công an có chịu trách nhiệm?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Kẻ cuồng sát Phạm Duy Quý sau khi sát hại cả gia đình đã thắt cổ tự tử trong trại giam. Vậy, công an tỉnh Hải Dương có phải chịu trách nhiệm không?

(ĐSPL) - Đối tượng Phạm Duy Quý (SN 1993), trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương, kẻ đã dùng dao cuồng sát cả gia đình vào ngày 2/8 vừa qua, đã treo cổ tại nhà tạm giam công an tỉnh Hải Dương vào hồi 15h30 ngày hôm qua (4/8).

Tội ác của Quý thật ghê tởm, nếu đem ra xét xử chắc chắn khó thoát khỏi án tử hình. Tuy nhiên việc đối tượng treo cổ chết trong khi đang bị tạm giam, vậy thì trách nhiệm của cơ quan công an thế nào? Chúng tôi đã phỏng vấn luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình – Phó giám đốc Công ty luật Vinh Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình – Phó giám đốc Công ty luật Vinh Đức (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

PV: Thưa luật sư, việc để đối tượng Phạm Duy Quý thắt cổ tự tử tại nơi giam giữ, công an tỉnh Hải Dương sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

LS. Hoàng Ngọc Thanh Bình: Trước hết, phải nói rằng việc Quý thắt cổ tự tử, chắc hẳn dư luận không ai “thương xót”, và coi đó là kết cục xứng đáng của kẻ cuồng sát. Tuy nhiên, pháp luật vốn cứng nhắc, vì thế các chiến sỹ công an tỉnh Hải Dương để Quý tự tử trong nhà tạm giam sẽ khó tránh khỏi trách nhiệm.

Theo quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thì: Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy với việc để Quý treo cổ tự tử trong nhà tạm giam, những người được giao nhiệm vụ trông giữ anh ta rất có thể bị xử lý theo điều luật này. Tất nhiên, tôi không khẳng định, mà đây chỉ là giả thiết căn cứ vào câu hỏi bạn đặt ra. Muốn xác định trách nhiệm và xử lý đến đâu thì phải có điều tra cụ thể.

PV: Thưa luật sư, Quý không phải là kẻ vô tội, mà là kẻ đã phạm tội ác thật ghê tởm, có thể vì thế mà nên thông cảm cho các chiến sỹ công an tỉnh Hải Dương trong việc sơ ý để anh ta treo cổ tự vẫn không?

LS. Hoàng Ngọc Thanh Bình: Như tôi đã nói, về tình cảm thì không nói làm gì, nhưng pháp luật vốn vô tình. Tuy Quý phạm tội ác tày đình và đã nhận tội, nhưng anh ta chưa bị xét xử, mà theo quy định của Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “không ai có thể bị coi là có tội, nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực của tòa án”. Do đó, chưa thể coi Quý là kẻ có tội được, anh ta mới chỉ là bị can thôi. Việc một bị can tội giết người hay một bị can tội trộm cắp mà treo cổ chết ở cơ quan công an thì cũng như nhau thôi. Không vì thế mà trách nhiệm của cơ quan công an giảm đi.

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm, kể cả tử tù đã bị tuyên án và chỉ chờ thi hành, những người quản giáo cũng không được để họ tự tử trong trại giam. Nếu để xảy ra việc đó thì giám thị sẽ bị kỷ luật khá nặng.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Tin nổi bật