Hy Lạp sẽ mua 18 máy bay chiến đấu Rafale, 4 tàu khu trục hạm đa nhiệm và 4 máy bay trực thăng hải quân, đồng thời tuyển thêm 15.000 binh sĩ.
Tiêm kích Rafale. Ảnh: AP |
Ngày 13/9, Thủ tướng Hy Lạp - Kyriakos Mitsotakis cho biết nước này sẽ tăng cường mua vũ khí và “đại tu” lại quân đội trong nỗ lực củng cố sức mạnh quốc phòng giữa lúc căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực phía đông Địa Trung Hải.
Cụ thể, Hy Lạp sẽ mua 18 tiêm kích Rafale cùng 4 hộ vệ hạm và 4 trực thăng hải quân của Pháp trong nỗ lực cải tổ và hiện đại hóa quân đội. Quân đội Hy Lạp sẽ tuyển thêm 15.000 binh sĩ, đồng thời dồn nguồn lực cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí và phòng thủ chống tấn công mạng.
Hy Lạp sẽ mua thêm vũ khí chống tăng, ngư lôi và tên lửa mới, đồng thời lên kế hoạch nâng cấp 4 hộ vệ hạm trong biên chế để tạo hàng nghìn việc làm trong nước, Thủ tướng Mitsotaki nói.
Thủ tướng Mitsotakis được cho là đề ra kế hoạch mua sắm vũ khí nói trên sau cuộc đàm phán với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng định các nhà lãnh đạo Nam Âu trong tuần này tại Corsica. Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ Hy Lạp trong căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp thời gian qua leo thang căng thẳng liên quan đến các nguồn khí đốt tự nhiên ở Đông Địa Trung Hải.
Trong phát biểu ngày 10/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Miltiadis Varvitsiotis cho rằng EU cần áp đặt trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không rút các tàu quân sự và tàu thăm dò khí đốt khỏi vùng biển ngoài khơi Cộng hòa Cyprus.
Sau đó, căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi cả hai bên tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải, với Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hy Lạp tập trận chung với Pháp, Italy và Cộng hòa Cyprus.
Hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố triển khai một tàu nghiên cứu để tiến hành hoạt động khảo sát ở vùng biển gần đảo Kastellorizo của Hy Lạp. Đáp lại, Hy Lạp tiến hành các cuộc tập trận hải quân với nhiều nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trước đó, quan hệ Athens-Ankara cũng đã căng thẳng vì nhiều vấn đề khác, trong đó có dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp.
Mộc Miên (T/h)