Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hồng Kim Hạnh: Nỗi nhớ ba, nhớ nghề được bung xõa hết cỡ khi vào vai Hơn

(DS&PL) -

Kể từ 2 bộ phim điện ảnh đầu tay Trái tim bé bỏng, Em muốn làm người nổi tiếng, Hồng Kim Hạnh biến mất.

Kể từ 2 bộ phim điện ảnh đầu tay Trái tim bé bỏng, Em muốn làm người nổi tiếng, Hồng Kim Hạnh biến mất. Người ta đồn cô bỏ nghề theo chồng đại gia ra nước ngoài, nhưng chẳng phải vậy! Ít ai biết, những năm tháng "ở ẩn", nữ diễn viên tài sắc sống lặng lẽ, chênh vênh vì những biến cố gia đình. Bẵng đi một thời gian dài, khán giả bỗng giật mình với màn tái xuất cực ấn tượng làm sống lại cái tên Hồng Kim Hạnh.

Phải giữ việc rơi nước mắt cho hợp lý

- Chào diễn viên Hồng Kim Hạnh! Sau chừng ấy năm vắng bóng với màn ảnh, điều gì khiến chị quyết định tái xuất, hợp tác với đạo diễn Lưu Trọng Ninh phim Thương nhớ ở ai?

Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Thời điểm tôi quay phim Em muốn làm người nổi tiếng ở Hà Nội, anh Ninh có đến đoàn phim chơi, nhìn thấy tôi, anh ấy hứa hẹn “chắc chắn sẽ hợp tác với cô gái này trong một dự án nào đó”. 7 năm sau, anh Ninh bỗng nhớ tới lời hứa năm xưa và gọi tôi đến casting phim Thương nhớ ở ai.

Khi đó, tôi được mẹ chở đến, anh Ninh nhìn thấy và bảo “Em 26 tuổi rồi mà vẫn bắt mẹ chở đi casting phim. Nhìn kỳ quá!”. Chắc lúc đó anh ấy nghĩ tôi là trẻ con nên mặc định casting vai Hạnh. Dẫu lúc đầu đã mặc định rõ ràng, ai sẽ casting nhân vật nào, nhưng ngay trong buổi quay đầu tiên anh Ninh bất ngờ làm một cuộc “cách mạng” bắt mọi người phải casting lại từ đầu, đặc biệt là vai Hơn.

Cô bé đầu tiên được mặc định vai Hơn sau khi casting lại đã không thành công. Bất ngờ lớn nhất, tôi lại là người được chọn vào vai Hơn. Thật sự, nhìn gương mặt tôi hơi non, nhưng khi diễn không ai ngờ tôi có thể vào vai Hơn đạt như vậy, một người phụ nữ lớn tuổi, trải qua cảm giác đau khổ tột cùng khi mất chồng, đấu tố, một mình chăm con thơ... Thế là đạo diễn đổi luôn tôi vào vai Hơn, còn vai Hạnh là do Trà My thay.

Diễn viên Hồng Kim Hạnh.

- Không ít người thắc mắc, tại sao một cô gái miền Nam sở hữu vẻ ngoài đài các như Hồng Kim Hạnh lại vào vai vợ địa chủ ở vùng quê miền Bắc chịu nhiều đau khổ, “ngọt” đến vậy?

Hơn là vai cực khó, mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố trong nhân vật này được thể hiện rõ nét với chuyển biến tâm lý phức tạp. Có thể nói, diễn viên nào cũng ao ước được một lần thể hiện những vai gai góc như vậy. Cũng không ít người thắc mắc, tại sao một Hồng Kim Hạnh có vẻ ngoài tiểu thư, đi đâu cũng có ba mẹ theo cùng lại được chọn vào vai diễn phức tạp như thế? Nhưng, để vào được vai Hơn tôi đã chấp nhận “trầy da tróc vảy” rất nhiều.

Ban đầu, khi được mặc định vai Hạnh, tôi rất vô tư, cố gắng tập luyện và học thoại thật tốt để được nhận vai. Lúc chụp poster, tôi đã dồn hết tâm thế vào nhân vật này nên rất hăm hở. Thế nên, khi bị đổi qua nhân vật Hơn tôi hụt hẫng vô cùng, vì không biết sẽ phải diễn thế nào. Đến khi xem lại kịch bản, tôi bắt đầu cảm nhận được vai Hơn rất hay. Nghĩ lại, thấy anh Ninh liều quá khi “cả gan” giao vai diễn “nặng ký” này cho tôi, nhưng “đâm lao phải theo lao” nên tôi cũng cố gắng liều cùng anh ấy.

Thật ra, giữa nhân vật Hơn và Hồng Kim Hạnh ngoài đời thực có khá nhiều nét tương đồng. Nhìn vẻ ngoài vô tư, đơn giản của tôi, không ít người lầm tưởng tôi giống trẻ con, không đủ độ sâu sắc, nhưng thật ra tôi lại suy nghĩ nhiều hay quan sát. Đến khi casting vai Hơn, những tính cách thật đó được thể hiện rõ nét. Đứng trước máy quay, tôi là chính mình. Những cảm xúc nhân vật Hơn trải qua tôi cũng từng phải chịu đựng.

Khoảng vài tháng trước khi tham gia Thương nhớ ở ai, tôi đã chịu nỗi đau mất đi người ba yêu quý. Khi nhập cuộc với đoàn phim, tôi cố gắng cười, nói với mọi người nhưng trong lòng như đã chết lặng, bởi cảm giác nhớ ba vẫn chưa nguôi. Nếu không có bộ phim này, chắc tôi đã ngồi trong 4 bức tường để nhớ ba.

- Vậy điều gì khiến Hồng Kim Hạnh áp lực, trăn trở nhất khi đảm nhận vai diễn “nặng ký” này?

Thật ra, vào vai Hơn tôi cảm giác phê, đã lắm! Lúc ở đoàn phim dù rất nhớ ba nhưng vẫn phải gượng cười, trò chuyện, để rồi, khi trở về khách sạn với 4 bức tường cảm giác kinh khủng lắm. Tôi thấy mình như một đứa tự kỷ. Rồi cảm giác đi trên đường phố Hà Nội giữa trời đêm lạnh giá, khóc nức nở vì nhớ ba, nhớ gia đình. Thế nên, khi được nhập vai Hơn, cảm giác được khóc đã lắm. Mọi kỷ niệm chợt ùa về và lúc đó, tôi là chính mình. Bởi vậy, tôi không hề cảm thấy áp lực khi vào vai Hơn.

Nhưng, điều làm tôi lo sợ nhất là một ngày quay quá nhiều cảnh khóc. Trong khi đó, mắt tôi vừa mổ, bác sĩ dặn không được khóc nhiều vì sẽ ảnh hưởng tới thị giác. Nhiều lúc, nhớ ba khóc hết nước mắt rồi, nhưng đạo diễn vẫn bắt quay lại. Dần dần, tôi bị bật khỏi suy nghĩ nhớ ba và bắt đầu mang tâm thế của một diễn viên chuyên nghiệp, lúc nào cũng phải khắc xuất, khắc nhập, khi là chính mình, lúc lại là Hơn.

Đau đầu hơn nữa là tôi phải giữ việc rơi nước mắt cho hợp lý. Có những cảnh khóc quay ở ngoài đê, 3 tháng sau mới quay cảnh khóc ở trong nhà nhưng vẫn phải khóc sao cho giống nhau. Thật ra, nếu không là Hơn, không mang tâm thế của một diễn viên sẽ không chịu được những yêu cầu của đạo diễn. Tuy nhiên, trong quá trình diễn xuất, tôi tùy cơ ứng biến và dần biết cách tiết chế cảm xúc hơn.

30 tuổi mới bắt đầu “bung lụa”

- Ấn tượng sâu đậm nhất của Hồng Kim Hạnh khi làm việc với đạo diễn Lưu Trọng Ninh sau 7 năm gặp lại?

Sau 7 năm tái ngộ, tôi không ngờ sức khỏe của anh Ninh lại yếu như vậy. Đến độ, mọi người trong đoàn phim không ai dám nói nhiều hay làm anh buồn. Vì mỗi khi tức giận, anh lại khó thở, có thể ngất xỉu bất cứ lúc nào, thế nên anh Bùi Thọ Thịnh phải túc trực, hỗ trợ khi anh Ninh mệt quá. Dù sức khỏe yếu nhưng gần như, 98% thời gian đạo diễn Lưu Trọng Ninh đều có mặt ở phim trường để chỉ đạo diễn xuất. Khi vào cảnh, anh Ninh hầu như ít can thiệp mà để diễn viên tự diễn vì sợ mất cảm xúc. Anh chỉ nhìn thôi, mọi người cũng đủ xúc động và diễn tốt hơn rồi.

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc, anh ngồi sau máy quay, diễn viên khóc anh cũng khóc theo, chừng ấy đủ để tôi cảm nhận được anh Ninh là người sống rất tình cảm. Hơn hết, tôi thấy mình phải cố gắng diễn tốt hơn để không phụ lòng của anh sau 7 năm vẫn nhớ tới mình.

- Hồng Kim Hạnh là người hướng nội, tính cách này dường như không hợp với showbiz?

Ngẫm lại, tôi cảm thấy có chút tiếc nuối và thiệt thòi. Tuổi thanh xuân khép mình đúng là hơi ngược dòng. Bởi, tuổi trẻ người ta có thể bốc đồng, dốc toàn tâm toàn lực làm hết những điều mình muốn, không cần biết đúng sai. Nhưng, tôi ngược lại, tuổi trẻ sống trong nề nếp, nghiêm túc đến bây giờ 30 tuổi mới “bung lụa” (cười).

Có thể, đến độ tuổi chững lại rồi, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc cống hiến và PR bản thân hơn. Hồi xưa, tôi lặng lẽ đi đóng phim, không thích ồn ào, PR này nọ. Trang facebook cũng chỉ là nơi chia sẻ tâm trạng lúc buồn vui rồi gói gọn trong chế độ bảo mật, chỉ mình tôi đọc. Quả thực điều đó không tốt, diễn viên sống nội tâm quá sẽ thiệt thòi.

Dẫu không tốt trong thời điểm đó, nhưng khi vào vai Hơn tất cả mọi thứ tôi đều bung ra, một người sống nội tâm, giằng xé thế nào mọi người đều cảm nhận được trong đôi mắt “có lửa”. Thế nên, khi lên phim sướng lắm, nỗi nhớ ba, nhớ nghề... dồn nén bấy lâu được bung xõa hết.

Trước đó, khi quyết định tái xuất với Thương nhớ ở ai, tôi xác định một là sống, hai là chết, thậm chí đã có ý định, đóng xong phim sẽ gác kiếm. Nhưng, cuộc đời chẳng ai nói trước được. Sau khi bộ phim lên sóng và nhận được nhiều tình cảm của khán giả, tôi nghĩ mình phải thay đổi để sống tốt hơn. Cảm ơn những chia sẻ của Hồng Kim Hạnh!

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 3

Tin nổi bật