Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hồng Ánh: Hành trình từ diễn viên múa đến đạo diễn tài năng

(DS&PL) -

Hồng Ánh là cái tên đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với khán giả từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau 20 năm, Hồng Ánh đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong sự nghiệp.

Hồng Ánh là cái tên đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với khán giả từ những năm 90 của thế kỷ trước. Những vai diễn ấn tượng của nữ diễn viên có đôi má lúm đồng tiền duyên dáng này trong các bộ phim như Người đẹp Tây đô, Đời cát,… đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của công chúng. Sau 20 năm, Hồng Ánh đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong sự nghiệp. Giờ đây, chị đã không chỉ là một diễn viên tài năng mà còn là một đạo diễn, nhà sản xuất có tầm nhìn. Trong cuộc trò chuyện với báo ĐS&PL, đạo diễn - nhà sản xuất Hồng Ánh đã có những trải lòng chân thành, thẳng thắn về sự nghiệp và cuộc sống.

Hồng Ánh.

Gia đình cho đi học múa để… giảm cân

- Nhiều người tò mò về nguyên nhân đưa chị đến với nghề múa?

Tôi đến với nghề múa giống như một cơ duyên. Bởi, gia đình tôi không có định hướng nghề nghiệp phải theo múa. Thời đó, tôi đến với múa như một bộ môn thể thao và nhà lại ở bên cạnh trường múa. Vì thế, gia đình cho tôi đi học múa đơn giản chỉ để giảm cân.

Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật, chị gái tôi cũng không hề thích múa hay môn nghệ thuật nào. Tôi thì ngược lại, hằng ngày được nghe các bản nhạc, nghe các loại nhạc cụ đã khiến tôi có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật. Nó trở thành một cơ duyên, cầu nối để hướng tôi đi theo điện ảnh.

- Đang là một diễn viên múa, tại sao chị lại tìm đến điện ảnh?

Sau khi tốt nghiệp trung cấp múa, tôi có đi biểu diễn ở các nhà hàng, đám cưới và một số sân khấu nhỏ. Trong quá trình học múa, nói về kỹ năng múa có thể tôi không xuất sắc, nhưng ở các tiểu phẩm có diễn xuất trong múa, bao giờ tôi cũng được xếp hạng A. Dù diễn xuất trong múa rất khó, nội dung không được nói ra thành lời mà phải biểu diễn bằng ngôn ngữ hình thể, ánh mắt.

Năm 1995, tôi tham gia cuội thi tuyển diễn viên điện ảnh triển vọng TP.HCM, lúc này, tôi được giải diễn viên duyên dáng. Từ cái nôi này, tôi bắt đầu chạm ngõ nghệ thuật thứ bảy với vai diễn đầu tiên trong phim Người đẹp Tây đô.

Những năm đầu đóng phim, tôi vẫn song song đi diễn múa. Bởi, lúc này múa vẫn là nguồn thu nhập chính của tôi. Ngoài tham gia trong phim Người đẹp Tây đô, thời điểm đó, tôi cũng tham gia cả phim điện ảnh và biểu diễn ở sân khấu kịch nói. Đây chính là nền tảng giúp tôi diễn tốt hơn trong điện ảnh.

- Từ một diễn viên hạng A, được rất nhiều nhà làm phim “săn đón”, chị lại tiếp tục chuyển qua làm đạo diễn?

Với hơn 20 năm theo nghiệp diễn xuất, mối cơ duyên để tôi chuyển từ diễn viên sang đạo diễn là vào năm 2013, hãng phim Xanh do tôi làm giám đốc bắt tay vào xây dựng dự án Đường đua. Ở bộ phim điện ảnh này, tôi tham gia với vai trò nhà sản xuất chứ không phải đạo diễn, nhưng qua đó cũng biết được một số công việc của người đạo diễn. Đến năm 2016, tôi may mắn tiếp xúc với dự án phim Đảo của dân ngụ cư. Lúc này, một số cộng sự đã đề nghị tôi làm đạo diễn cho bộ phim này. Thực sự, đây chính là cơ duyên để tôi từ một diễn viên đến nhà sản xuất phim và đạo diễn.

Đối với dự án phim Đảo của dân ngụ cư, cách đây 10 năm, tôi đã có mong muốn được sản xuất và tham gia vai chính trong phim. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tôi gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tài chính. Mãi đến năm 2016, những khó khăn trên mới được giải quyết và hãng phim Xanh mới có cơ hội hợp tác cùng Live Media để sản xuất bộ phim Đảo dân ngụ cư.

Nếu ngại khó, ngại khổ thì chưa yêu công việc của mình

- Từ một diễn viên múa, chị rẽ ngang sang diễn viên, sau đó là nhà sản xuất và giờ là một đạo diễn. Dường như chị thích thử thách bản thân và không hề gặp khó khăn trong những bước chuyển này?

Thực tế không phải như vậy, tôi cũng gặp nhiều khó khăn chứ. Bởi, tôi xuất thân từ diễn viên múa cho nên việc diễn xuất trước ống kính như thế nào đều phải tự học. Rất may, tôi lại có một sự nhạy cảm rất lớn với những thân phận con người trong cuộc sống cũng như nhân vật trong các tác phẩm văn học, phim ảnh. Dù vai diễn đó ác, hài hay bi, tôi cũng rất dễ bị cộng hưởng và sống cùng xúc cảm của họ.

Quá trình chuyển từ nhà sản xuất phim sang đạo diễn cũng là một quãng thời gian khó khăn. Bởi, tất cả mọi thứ đối với tôi đều phải tự học. Học từ những năm tháng làm diễn viên rong ruổi đi theo đoàn làm phim. Với tôi, khó khăn của người đạo diễn không phải là sự vất vả của một người phụ nữ phải đi khắp nơi theo đoàn phim mà là những kiến thức về chuyên môn, góc máy, kỹ thuật ghi hình hậu kỳ, âm thanh thu tiếng trực tiếp... Tất cả những điều này tôi đều phải học. Trên cương vị là một đạo diễn, điều mà tôi cảm thấy tự tin nhất chính là khi làm việc với diễn viên. Bởi, tôi xuất thân từ diễn viên và rất hiểu họ.

- Làm đạo diễn, phải thường xuyên sống ở phim trường, chịu nhiều khó khăn vất vả, chị có sợ rằng nhan sắc sẽ tàn phai?

Dù là đạo diễn hay bất kể một nghề nghiệp nào, nếu ngại khó, ngại khổ thì chắc chắn người đó chưa yêu công việc của mình. Với tôi, để được làm một công việc mà mình yêu thích thì những vấn đề e ngại, vất vả trở thành chuyện nhỏ. Thực sự, khi tôi làm đạo diễn, những tác động từ bên ngoài trở nên không quan trọng. Nhiều người khi thấy tôi dấn thân như vậy cũng hỏi: “Sao chị đi nhiều, thức khuya như vậy mà không thấy mệt?”. Tôi chỉ cười bảo, vì tôi yêu công việc của mình.

Với tôi, một nghệ sĩ, việc xấu đẹp chỉ là thứ yếu. Điều quan trọng chính là tâm hồn và phải có vốn sống phong phú. Công việc làm diễn viên hay đạo diễn cũng vậy, việc đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người cũng như hòa mình vào nhân vật sẽ mang đến cho bản thân thêm nhiều vốn sống. Vốn sống phong phú sẽ giúp cho nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật tốt hơn. Một nghệ sĩ chân chính sẽ có tâm hồn đa sầu, đa cảm.

- Sự đa cảm sẽ giúp nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật tốt hơn, nhưng ở cuộc sống đời thường liệu nó có làm cho nghệ sĩ trở nên mệt mỏi và chìm đắm trong bi lụy?

Nghệ sĩ thường rất đa sầu đa cảm và họ phải có điều đó mới có thể chia sẻ, thấu hiểu cùng nhân vật, thiên biến vạn hóa để hoàn thành vai diễn một cách tốt nhất. Ví như, trong phim Đảo của dân ngụ cư cũng vậy, dù nó ra rạp rồi nhưng tôi vẫn còn trăn trở rất nhiều. Có thể, do tôi quá yêu bộ phim của mình.

Tuy nhiên, đây là một sự trăn trở, mệt mỏi nhưng đầy hạnh phúc. Nếu bạn không biết vui với niềm vui của người khác, buồn với nỗi buồn của nhiều người, không cảm được nhân vật thì không thể làm được diễn viên. Tuy nhiên, người nghệ sĩ cần phải biết cân bằng cảm xúc của chính mình, cân bằng cuộc sống, cân bằng công việc và gia đình, cân bằng niềm đam mê, mơ ước với thực tế cuộc sống.

- Sau những thành công trong phim ảnh, gia đình đóng vai trò như thế nào với chị?

Gia đình tôi đều là những người không theo nghệ thuật. Tuy nhiên, điều may mắn nhất chính là sự ủng hộ của gia đình lớn và gia đình nhỏ đối với việc làm phim. Mọi dự án phim ảnh của tôi, gia đình đều ủng hộ. Ngoài ra, các cộng sự mà tôi hợp tác đều rất giỏi. Sự thành công của bộ phim Đảo của dân ngụ cư cũng vậy, đó không phải là thành công của riêng tôi mà của chung toàn bộ ê-kíp, những cộng sự làm việc với tôi. Với điện ảnh, thành công không thể có được từ một cá nhân xuất chúng nào mà phải là sự cộng hưởng, hợp tác của cả một tập thể.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Dương Hạnh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số tháng 26

Tin nổi bật