Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn do các địa phương chủ trì với 63 hội đồng thi, có 2.243 điểm thi với trên 42.000 phòng thi.
Theo thống kê của bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 6/7, cả nước có 989.863 thí sinh đến các điểm thi để nhận phòng, làm thủ tục, đính chính thông tin (nếu có sai sót) và nghe phổ biến quy chế, lịch thi, đạt tỷ lệ 98,96% so với số đăng ký. Số thí sinh thuộc diện F0 là 38 em.
Năm nay, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đông nhất cả nước với gần 98.000 thí sinh, thi tại 181 điểm thi chính thức với gần 4.600 phòng thi.
Thí sinh đến điểm thi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2022 chiều 6/7.
Trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh kiểm tra lại thông tin cá nhân để điều chỉnh sai sót, được lưu ý những việc được và không được làm. Đặc biệt, thí sinh được hướng dẫn khu vực để đồ dùng tư trang cách phòng thi 25 mét để phòng chống việc gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các hội đồng thi đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp thực tế của địa phương; có phương án dự phòng ứng phó tình huống bất thường bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Theo báo Tin tức, nhận định về môn thi đầu tiên - Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Diệu Hiền, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Phan Đình Phùng (Quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Đề minh họa năm nay không khác so với đề thi của những năm trước. Thời gian làm bài vẫn là 120 phút, cấu trúc đề thi gồm 3 phần: Đọc – hiểu với 4 câu hỏi theo cấp độ từ dễ đến khó như: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Ở phần này có mức điểm tối đa là 3,0 điểm; Nghị luận xã hội về 1 tư tưởng đạo lý hoặc 1 hiện tượng đời sống: Viết đoạn văn 200 chữ với mức điểm tối đa là 2,0 điểm; Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích 1 đoạn văn bản (thơ/tuyện/kí/kịch/văn chính luận), có trích dẫn văn bản và yêu cầu nâng cao với mức điểm tối đa là 5,0 điểm".
Cô Hiền lưu ý rằng, để làm tốt bài thi môn Ngữ Văn, trước hết, thí sinh cần cân đối thời gian làm bài phù hợp cho từng phần: Đọc – hiểu: 15 phút; Nghị luận xã hội: 20 phút; Nghị luận văn học: 80 phút. Các em nên có 5 phút cuối để kiểm tra lại toàn bộ bài làm, sửa chữa, bổ sung những chỗ còn thiếu hoặc sai sót.
TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng: “Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: Về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân, ý nghĩa, hậu quả, giải pháp, bài học…); về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài…".
Về bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, cô Tuyết cho rằng đây là dạng bài đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Do đó, các em cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh. Các em cần phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài. Nếu đoạn văn nghị luận xã hội cần sự thể hiện cái tôi bản lĩnh, trung thực thì bài Nghị luận văn học rất cần khả năng cảm nhận tinh tế, sự phân tích sâu sắc và tình cảm chân thành.
Hoa Vũ (T/h)