Theo chương trình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Qua nhiều lần thảo luận tại các phiên họp, kỳ họp trước, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về rút bảo hiểm xã hội 1 lần, mặc dù ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý những phương án từng đưa ra trước đây.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội lần này, điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần đối với người chưa đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội có 2 phương án.
Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm. Theo đó, nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực trở đi thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 2: Người lao động được rút bảo hiểm xã hội một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Ngày 27/5, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). (Ảnh: Tiền phong)
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến không đồng tình với cả 2 phương án nêu trong dự thảo luật. Bởi lẽ, một trong những lý do chính khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về kinh tế và để lo cho cuộc sống trước mắt. Nếu hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ gây mất công bằng và về lâu dài sẽ không động viên được lao động trẻ tham gia bảo hiểm xã hội. Hoặc nếu mức rút bảo hiểm xã hội không được quá 50% thì chưa phải phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn trước mắt của cuộc sống.
Cũng theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ban soạn thảo đã đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 xuống 75. Tức là người từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Ngoài ra, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau về quy định đối tượng là chủ hộ kinh doanh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc quản lý hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó là những tác động của cải cách chính sách tiền lương; hay vấn đề về tài chính bảo hiểm xã hội.
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn đối với trường hợp vi phạm và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người sử dụng lao động.