Chỉ trong vòng 4 tháng, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tổ chức 3 cuộc gặp mặt thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình.
Hãng thông tấn Nikkei Asian Review (Nhật Bản) dẫn nguồn tin giấu tên cho biết ông Kim Jong Un sẽ bay đến thủ đô Bắc Kinh trong ngày 19/6 để có cuộc gặp lần thứ 3 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
Đây sẽ là lần thứ 3 trong năm nay ông Kim Jong Un đến Trung Quốc gặp ông Tập. Dự kiến, ông Kim sẽ thông báo cho ông Tập về kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6 ở Singapore, đồng thời tham vấn về chiến lược đàm phán trong tương lai.
Tại Bắc Kinh, an ninh được tăng cường cao độ để bảo đảm an ninh cho cuộc gặp mặt thượng đỉnh này.
Trước đó, 2 nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp tại Đại Liên vào đầu tháng 5, trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều. Bắc Kinh cũng là điểm đến của chuyến công du đầu tiên ông Kim thực hiện bên ngoài bán đảo Triều Tiên hồi tháng 3.
Ông Kim Jong Un gặp ông Tập Cận Bình tại Đại Liên vào ngày 7/5. Ảnh: KCNA. |
Tờ Nikkei cho biết, ông Kim Jong-un sẽ sử dụng chuyến thăm lần này để chia sẻ chi tiết về hội nghị thượng đỉnh và bàn thúc đẩy hợp tác song phương với Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Kim đến Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên sắp tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao như đã nêu trong tuyên bố chung tại Singapore ngày 12/6. Người dẫn đầu các phái đoàn đàm phán bên phía Mỹ sẽ là Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Trung Quốc là đồng minh và chỗ dựa kinh tế của Triều Tiên trong một thời gian dài. Liên tiếp tổ chức 3 cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình chỉ trong vòng 4 tháng, ông Kim Jong Un đang muốn chứng tỏ với Mỹ rằng Triều Tiên vẫn có sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc, tờ tạp chí Nhật Bản nhận định.
Trong khi đó, Bắc Kinh có thể muốn sử dụng sức ảnh hưởng của mình lên Bình Nhưỡng như một lá bài mặc cả trong đối đầu thương mại đang leo thang với Washington.
Ông Kim Jong Un có thể dùng chuyên cơ để đến Bắc Kinh cho cuộc gặp lần thứ 3 với ông Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Việc một lãnh đạo liên tục đến Trung Quốc như ông Kim là chưa có tiền lệ trong thời hiện đại, nhà phân tích Trung Quốc Cheng Xiaohe bình luận, theo NYTimes.
Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Triều Tiên nhưng quan hệ hai bên dần lạnh nhạt sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền vì Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình vũ khí của nước này. Giờ đây, Trung Quốc dường như muốn thể hiện rằng mối quan hệ giữa họ đã được sửa chữa.
Victory Cha, cựu giám đốc về các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống George W. Bush, đồng ý rằng Trung Quốc có thể ngồi ngoài lề các cuộc đàm phán song phương giữa hai miền Triều Tiên và giữa Washington với Bình Nhưỡng nhưng họ phải là một bên trong đàm phán chi tiết về phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích thì điều này không có nghĩa Triều Tiên đã chịu lệ thuộc với Trung Quốc. Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, bình luận: "Triều Tiên chưa bao giờ là một nước 'chư hầu' và càng không phải vậy khi Mỹ đã đồng ý làm việc với ông Kim"
Minh Minh (T/h)