Những mặt hàng gắn mác Triều Tiên không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên trị trường Hàn, Trung sau hội nghị thượng đỉnh.
Chỉ vài ngày sau hội nghị liên Triều với triển vọng về tương lai hòa bình, hữu nghị, các nhà hàng phục vụ món ăn Triều Tiên tại Seoul đã đông nghẹt thực khách trong khi các đài truyền hình đổ xô đến đây để giới thiệu về văn hóa và lối sống của người Triều Tiên.
Cộng đồng mạng Hàn Quốc thậm chí háo hức chia sẻ các sản phẩm “thú vị” và “kỳ lạ” được sản xuất tại Triều Tiên, bao gồm đồ ăn nhẹ và thuốc bổ. Nhiều người tò mò và tìm cách hỏi mua. Vài tuần sau, những món hàng được gắn mác Triều Tiên đã tràn lan trên các website thương mại điện tử Hàn Quốc.
Trên trang mua sắm trực tuyến Sogwang, một loại kem đánh răng của Triều Tiên được quảng cáo không chỉ là chất làm trắng răng mà còn có tác dụng chống côn trùng cắn và thậm chí giúp chữa đau lưng. Loại kem đánh răng khác có tên Natural Ingredient Toothpaste, sẽ làm trắng răng trong 10 ngày, giảm thiểu đau nướu và ngăn ngừa tuyệt đối mảng bám cũng như viêm nha chu. Một số loại thuốc ngăn côn trùng cắn lại có công dụng thần kỳ khác như chữa bỏng, eczema, phát ban, vảy nến và thậm chí hắc lào.
Một tuýp kem đánh răng gắn mác sản xuất tại Triều Tiên với công dụng "thần kỳ" - Ảnh: NKEW. |
Một ví dụ khác là nước khoáng đóng chai mang nhãn hiệu “Nước sinh học” cũng được gắn mác sản xuất tại Triều Tiên. Trang web quảng cáo: “Sản phẩm này rất phổ biến ở Triều Tiên, được mệnh danh là “nước thần tiên” có thể chữa được khoảng 150 bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư”. Để minh họa thêm, trang web kể một số câu chuyện các bệnh nhân đã khỏi bệnh nan y nhờ uống loại nước khoáng này. Sogwang tuyên bố cả hai sản phẩm đều “rất phổ biến” ở nước ngoài nhưng không xác định ở đâu.
Trái ngược với các lời khen có cảnh trên, kết quả xét nghiệm một số mẫu sản phẩm cho thấy điều đáng lo ngại. Theo Daily NK, các sản phẩm thuốc bổ gắn mác Triều Tiên có sẵn ở Trung Quốc có hàm lượng kim loại nặng vượt quá 200.000 lần so với tiêu chuẩn. Không chỉ khác với quảng cáo, các sản phẩm này có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như hại thần kinh, bệnh Parkinson hoặc bệnh tiêu hóa.
Một sản phẩm mang tên “Mật gấu Triều Tiên” quảng cáo lợi ích “trẻ hóa” gan đã được Cơ quan pháp y quốc gia (NFS) của chính phủ Hàn Quốc xác định là mật lợn và từng xuất hiện từ những năm 2016. Nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh, một số kẻ trục lợi đã tiếp tục bày bán sản phẩm này.
Các đồ dùng sản xuất tại Triều Tiên, trên thực tế, rất hiếm xuất hiện tại nước ngoài. - Ảnh: NPR |
Điều đáng nói là Triều Tiên hoàn toàn chưa được Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận nên nguồn gốc các mặt hàng này không thể xác định. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á vẫn nhận được những lời chào mời và các hộp sản phẩm kém chất lượng, gắn mác Triều Tiên và không thể xác định xuất xứ.
Một cuộc thăm dò gần đây được tiến hành tại Hàn Quốc cho thấy 48% người được hỏi cho biết họ muốn được tới Triều Tiên ăn các món ăn và mua hàng nếu hai miền thống nhất. Điều này lý giải cho cơn sốt các đồ gắn mác Triều Tiên trong thời gian gần đây, đặc biệt sau sự kiện hội nghị thượng đỉnh.
Hiện nay, một số trang tin địa phương tại Hàn và Trung Quốc đã khuyến cáo người dân nên thận trọng khi mua các sản phẩm trên mạng Internet để tránh các nguy cơ về sức khỏe.
Thu Phương (Theo Diplomat)