Pháp luật có quy định thế nào về tiêu chuẩn của giáo viên dạy lái xe hay học viên và tai nạn xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo đó, Khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đượng bộ 2008 quy định về việc người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Bên cạnh đó, người ngồi trên xe tập lái cần đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Tiêu chuẩn của giáo viên
Yêu cầu về giáo viên dạy lái xe:
- Tiêu chuẩn chung: có phẩm chất, tư cách đạo đức tốt; có đủ sức khỏe theo quy định; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm;
- Giáo viên dạy lý thuyết: có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên; giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hạng xe đào tạo trở lên;
- Giáo viên dạy thực hành lái xe: có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và có giấy phép lái xe hạng tương ứng, đủ thời gian từ 3 năm trở lên và phải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình quy định tại Phụ lục 28 ban hành kèm theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT.
Điều kiện đối với người học lái xe
Theo Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được bổ sung Khoản 5 Điều 1 Thông tư 38/2019/TT-BGTVT.
1. Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
2. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
3. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:
- Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 1 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
- Trường hợp người học nâng hạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời gian lái xe an toàn được tính từ ngày chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính
4. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Học viên lái xe gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm? Ảnh minh họa
Xe tập lái gây tai nạn chết người, ai chịu trách nhiệm?
Người học lái xe
Đối với hành vi gây tai nạn làm chết người, học viên cầm lái có thể bị xử lý về tội "Vi phạm quy đinh về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Trong trường hợp xe tập lái gây ra tai nạn mà người học lái xe là người trực tiếp gây ra tai nạn do lỗi vô ý vì quá tự tin hay lỗi vô ý vì quá cẩu thả thì có thể bị xử lý về Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Giáo viên dạy thực hành
Đối với giáo viên dạy lái có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, không giám sát, bảo trợ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm quy định về đào tạo và sát hạch lái xe của Bộ GTVT.
Hành vi cẩu thả, vô trách nhiệm của vị giáo viên này có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 128 Điều 1 Luật sử đổi Bộ luật hình sự 2017, mức phạt cao nhất có thể bị phạt tù lên đến 12 năm.
Trách nhiệm của phía trường dạy lái
Ngoài ra, chiếc xe gây tai nạn là xe dành cho học viên tập lái của Trường vậy nên cần rà soát lại toàn bộ quy trình dạy lái, hồ sơ giáo viên, hồ sơ học viên, xe dạy lái xem đã tuân thủ đúng quy định của nhà nước và hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe chưa.
Nếu nhà trường buông lỏng quản lý trong hoạt động đào tạo, tùy tính chất, mức độ người đứng đầu cơ sở có thể bị kỷ luật, đơn vị sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Trách nhiệm bồi thường
Đối với trách nhiềm bồi thường thiệt hại do xe tập lái gây ra, căn cứ tại Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Với quy định này, trường hợp người học lái gây tai nạn, trung tâm đào tạo lái xe nơi người học lái đăng ký theo học phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Sau đó, trung tâm được quyền yêu cầu người học hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền này nếu người học có lỗi dẫn đến tai nạn.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi:
- Có thiệt hại xảy ra (bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần);
- Có hành vi trái pháp luật (xử sự cụ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với quy định pháp luật);
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật (thiệt hại là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại);
- Có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.