Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học sinh tiểu học đâm bạn - Mầm mống của bạo lực đang bắt nguồn từ trường học!

(DS&PL) -

Sự việc một học sinh tiểu học dùng dao đâm bạn khiến dư luận lo ngại về vấn nạn bạo lực học đường ngày càng phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Trong lúc đá bóng, K. vô tình làm hỏng điện thoại của bạn B.. Cho rằng K. chưa xin lỗi B., L. (bạn của B.) đã dùng dao bấm đâm vào mông bạn ở trường. Sự việc khiến dư luận lo ngại về vấn nạn bạo lực học đường ngày càng phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Bàng hoàng học sinh lớp 5 dùng dao đâm bạn

Trao đổi với PV, lãnh đạo phòng GD&ĐT TP.Vinh, tỉnh Nghệ An xác nhận ở trường tiểu học Cửa Nam 1, phường Cửa Nam, TP.Vinh đã xảy ra vụ việc học sinh tiểu học dùng dao đâm bạn. Phòng này cũng đã chỉ đạo trường xử lý vụ việc.

Ngôi trường xảy ra sự việc.

Theo thông tin ban đầu, vào 7h ngày 2/4, giữa 4 nam sinh cùng học lớp 5 xảy ra xích mích. Lúc này, em N.Q.L. (học sinh lớp 5D) bất ngờ dùng một con dao bấm đâm vào vùng mông em L.T.K. (học sinh lớp 5E). Thấy L. đâm bạn, nhiều học sinh hốt hoảng gọi cô giáo để ngăn hai bạn đánh nhau.

Ngay lập tức, K. được cô giáo đưa vào phòng y tế của trường để sơ cứu ban đầu rồi chuyển tới bệnh viện xử lý vết thương. Về nguyên nhân của vụ việc, theo bà Lê Thị Bắc, Hiệu trưởng trường tiểu học Cửa Nam 1, vào ngày 29/3, nhóm học sinh chơi thể thao trong trường nhưng không may K. đá bóng trúng làm hỏng điện thoại của bạn B.. Sự việc xảy ra, em B. yêu cầu K. đền tiền và xin lỗi.

Cho rằng K. không xin lỗi, L. đã cãi nhau với K., từ đó xảy ra mâu thuẫn. Đến sáng 2/4, L. mang theo con dao đến trường và có hành vi được cho là đâm vào vùng mông của K.. Hậu quả, K. bị khâu 2 mũi ở mông.

Ông Lê Văn Bắc, phụ huynh em L.T.K. cho biết: "Chúng tôi rất bất ngờ trước việc cháu bị bạn gây thương tích trong trường học. Với tư cách người làm cha, tôi vừa đau xót, vừa phẫn nộ. Tôi không nghĩ ở độ tuổi các cháu lại có thể mang hung khí đến trường để đánh nhau như vậy. Nhà trường cần có cách để uốn nắn trẻ kịp thời. Cũng may là cháu chỉ bị vết thương ở phần mềm. Con dại thì cái mang, chuyện các cháu ở trường đánh nhau có một phần trách nhiệm của gia đình, không nắm được mâu thuẫn của các cháu để chia sẻ, giải quyết".

Theo tìm hiểu của phóng viên, L. và K. là bạn ở cùng khối, có chơi với nhau. Trước đó, hai em này chưa từng xảy ra mâu thuẫn gì. Trao đổi về vụ việc, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Vinh cho biết, Phòng đã nhận thông tin và cử lãnh đạo cùng chuyên viên xuống nắm tình hình.

Con dao em L. dùng để đâm bạn.

"Phòng cũng đã phê bình nhà trường chậm trễ thông tin vì sự việc xảy ra. Trường tiểu học Cửa Nam 1 có nhiều học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt. Sự việc xảy ra, các em đang ở độ tuổi quá nhỏ, mới bắt đầu hình thành nhân cách. Vì vậy, việc xử lý kỷ luật phải hết sức thận trọng, để làm sao vừa răn đe, vừa tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập, phát triển", bà Thảo nói.

Cần xử lý khéo léo và cẩn trọng

Sau khi sự việc xảy ra, ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã tới thăm hỏi, chia sẻ với nam sinh L.T.K. Hiện tại sức khỏe em K. đã cơ bản ổn định và tâm lý của em đã bình thường. Theo ông Thành đây là sự việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục. Ông Thành cũng bày tỏ cảm ơn gia đình K. đã đồng hành với nhà trường trong quá trình giải quyết các vấn đề trên tinh thần cùng chia sẻ, thông cảm.

Ngoài ra, vị lãnh đạo này lưu ý đối với lãnh đạo trường Cửa Nam 1 nếu phát hiện xảy ra sự việc mâu thuẫn ở trường học, các giáo viên cần nắm bắt kịp thời và sớm trao đổi với phụ huynh để giải quyết dứt điểm. Đồng thời, yêu cầu trường không bao che và xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, với các cháu học sinh đang ở tuổi tiểu học, nhiều hành động còn bột phát, thiếu ý thức thì cần phải giáo dục một cách khoa học, khéo léo, tránh tổn thương cho trẻ.

Được biết, em L. có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Từ nhỏ ở với ông bà nên thiếu thốn về mặt tình cảm. Các giáo viên cần quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời động viên, giúp đỡ, uốn nắn; hướng các em đến những hoạt động lành mạnh, bổ ích.

“Đây cũng là bài học cho các trường học khác trên địa bàn để từ đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hạn chế ít nhất tình trạng bạo lực học đường", ông Thành nói.

Hiện phòng GD&ĐT TP.Vinh đã gửi báo cáo vụ việc đến UBND tỉnh Nghệ An, sở GD&ĐT, Thành ủy, UBND TP.Vinh. Phòng cũng đã chỉ đạo trường tiểu học Cửa Nam 1, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình học sinh làm tốt công tác tư tưởng để ổn định tâm lý cho các em học sinh; họp hội đồng kỷ luật, đưa ra hình thức xử lý phù hợp vừa mang tính răn đe, vừa tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập, phát triển.

Ngoài ra, nhà trường phải nghiêm túc kiểm điểm và nhận trách nhiệm của tập thể, giáo viên nhà trường với sự việc, gửi báo cáo kết quả về phòng GD&ĐT TP.Vinh trước ngày 10/4.

Được biết, sau sự việc này, trường tiểu học Cửa Nam 1 đã phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh gặp gỡ gia đình của các em; tiến hành lập biên bản để làm căn cứ giải quyết, báo cáo sự việc lên Công an phường và phòng GD&ĐT TP.Vinh. Trong cuộc làm việc với các phụ huynh liên quan, L. đã thừa nhận hành vi của mình. L. cho rằng do quá bức xúc nên khua tay trúng vào mông bạn.

Phụ huynh của em K. đã chấp nhận lời xin lỗi của em L. và gia đình, đồng thời bỏ qua sự việc trên và mong muốn các em đoàn kết thương yêu nhau hơn. Phòng GD&ĐT TP.Vinh cũng đã chỉ đạo trường tiểu học Cửa Nam 1, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình học sinh làm tốt công tác tư tưởng để ổn định tâm lý cho các em học sinh.

Tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh, giảng viên khoa Giáo dục, đại học Vinh cho rằng, một trong những bất ổn tâm lý nhiều trẻ gặp phải đó chính là nạn bắt nạt, bạo lực học đường, nhất là sau hàng loạt vụ việc học sinh bị chính bạn của mình đánh đập, lăng mạ, làm nhục trong thời gian gần đây. Ở lứa tuổi cấp 2, cấp 3 các em thích thể hiện và khẳng định bản thân mà không ý thức được những hành động sai trái của mình. Đây cũng chính là hệ quả của việc các em không được giáo dục cách ứng xử với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn thấy bạn bị đánh nhưng các em không có động thái can ngăn, ngược lại còn reo hò cổ vũ, điều này chứng tỏ các em thiếu tình yêu thương, không có sự đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh.

Gia đình chính là gốc rễ của việc hình thành nhân cách của trẻ, giải pháp tốt nhất hiện nay đó là các bậc phụ huynh phải thật sự quan tâm đến con cái và trở thành rào chắn cho trẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nắm bắt sự thay đổi trong tâm sinh lý của con cái, từ đó kịp thời điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của các em. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải coi trọng việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử, lối sống để các em có những hành vi đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi.

Hà Hằng

Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 55

Tin nổi bật