Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Học phí, giá gạo tăng khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2023 nhích nhẹ

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng 3,2% so với tháng 12/2022 và tăng 3,59% so với cùng kỳ năm trước.

Báo Công Thương đưa tin, Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2023 và 10 tháng năm 2023. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước, tăng 3,2% so với tháng 12/2022 và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 10/2023 tăng được cho là do một số địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,08% của CPI tháng 10/2023 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, trong số nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,25% (làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm), trong đó giá dịch vụ giáo dục tăng 2,54% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, giá vở, giấy viết các loại tháng 10/2023 tăng 0,11% so với tháng trước; giá bút viết tăng 0,16%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. Ảnh minh họa: Báo Công Thương

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,27% (làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm) do giá gas tăng 4,72%; giá nước sinh hoạt tăng 0,48%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,29%.

Ở chiều ngược lại, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,09% do giá thép giảm; giá điện sinh hoạt giảm 0,79% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát; giá dầu hỏa giảm 0,58% chủ yếu do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 02/10/2023, 11/10/2023 và 23/10/2023.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,22%; đồ trang sức tăng 0,64%; đồng hồ đeo tay tăng 0,53%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,49%; dịch vụ về hỉ tăng 0,51% do nhu cầu tăng.

Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15% do giá nguyên liệu sản xuất đồ uống và tỷ giá đô la Mỹ tăng. Cụ thể, giá rượu bia tăng 0,2%; nước quả ép tăng 0,17%; nước giải khát có ga tăng 0,05% và thuốc hút tăng 0,04%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng. Trong đó, giá vải các loại và mũ nón cùng tăng 0,16%; giày dép tăng 0,14%; quần áo may sẵn tăng 0,1%; dịch vụ may mặc tăng 0,26%; dịch vụ sửa chữa giày dép tăng 0,48%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giao thông. Theo đó, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% chủ yếu giảm ở nhóm thiết bị điện thoại (giảm 0,31%).

Nhóm giao thông giảm 1,51% (làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm) chủ yếu do: Giá xăng giảm 4,59%; giá dầu diezen giảm 0,73% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 02/10/2023, 11/10/2023 và 23/10/2023; giá xe ô tô mới, xe máy và xe ô tô đã qua sử dụng lần lượt giảm 0,12%; 0,02% và 0,11%.

Tuy nhiên, giá phụ tùng ô tô lại tăng 0,05%; lốp, săm xe máy tăng 0,17%; phụ tùng khác của xe đạp tăng 0,25%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,85%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,23%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 0,35%, dịch vụ trông giữ xe tăng 0,05% do chi phí nhân công tăng.

Nguyên nhân chính khiến CPI tháng 10/2023 tăng được cho là do một số  địa phương thực hiện tăng học phí, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa: VietNamNet

Theo đơn vị thống kê quốc gia, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm và từ tháng 7 theo xu hướng tăng dần trở lại. 

Trong 10 tháng năm 2023, chỉ số CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, đến tháng 10 tăng 3,59%, theo thông tin trên VietNamNet.

Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 7,08% trong tháng 1/2023 đã giảm mạnh 31,73% trong tháng 6/2023 nhưng sang tháng 10, giá xăng dầu đã tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước. 

XEM THÊM: Mất trắng 15 tỷ USD ở tuổi U90, “Sói già phố Wall” Carl Icahn đang làm gì?

Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với bình quân 10 tháng năm 2022. Các yếu tố làm tăng CPI trong 10 tháng là do chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 10 tháng tăng 75,19% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,26%; nhóm lương thực tăng 5,48% tác động làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm.

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,39%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,42%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10/2023 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%). 

Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 10 tháng năm 2023 giảm 13,24% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 8,55% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật