Ngày 25/7, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VEC E), đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết, lúc 9h30 hôm nay (25/7), tuyến cao tốc trên đã chính thức thông xe trở lại hoàn toàn, sau nhiều ngày thi công sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành.
Theo vị đại diện VEC E, việc thi công đã hoàn tất sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch dự kiến ban đầu.
Việc thông xe sớm mang lại tin vui cho hàng ngàn người dân, tài xế đang di chuyển trên tuyến đường huyết mạch này.
Lúc 9h30 hôm nay (25/7), tuyến cao tốc trên đã chính thức thông xe trở lại hoàn toàn, sau nhiều ngày thi công sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành
Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, là tuyến giao thông chiến lược, hiện đã quá tải sau gần 10 năm khai thác. Việc khẩn trương hoàn tất sửa chữa và thông xe đúng tiến độ là nỗ lực lớn của đơn vị quản lý và các cơ quan chức năng, giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM.
Từ ngày 15-7, VEC E tiến hành sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành, buộc phải đóng một làn đường hướng từ Đồng Nai về TP.HCM, đồng thời giới hạn tốc độ lưu thông. Việc này đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của người dân, nhất là vào các ngày cuối tuần.
Để giảm áp lực giao thông, VEC E phối hợp cùng các đơn vị liên quan, CSGT hướng dẫn các lộ trình thay thế như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, phà Cát Lái và tuyến phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ... giúp người dân có thêm lựa chọn.
Công nhân thi công sửa chữa khe co giãn cầu Long Thành
Hiện tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang quá tải nghiêm trọng. Để đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng, VEC E dự kiến sẽ khởi công mở rộng đoạn từ Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào tháng 8 tới. Riêng đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2, do TP.HCM quản lý, cũng đã có kế hoạch mở rộng ngay trong năm nay.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác từ năm 2015 với quy mô 4 làn xe, là tuyến giao thông trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động, tuyến này đang chịu áp lực rất lớn từ lưu lượng phương tiện ngày một gia tăng, đòi hỏi các giải pháp hạ tầng đồng bộ và dài hạn để đảm bảo an toàn và hiệu quả giao thông.