Cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 - đã bước vào hồi kết tại Indonesia. Trong tối ngày 25/10 (giờ địa phương), chủ nhân vương miện sẽ chính thức lộ diện. Đáng chú ý, trước thềm chung kết Miss Grand International 2022, cư dân mạng lan truyền một bài đăng liên quan tới Miss Universe 2011 - Leila Lopes, người Angola.
Cụ thể, một chuyên trang của Brazil đăng bài chỉ trích Miss Grand International 2022. Bài viết ghi: "Chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ gánh xiếc, nơi mà Chủ tịch toàn quyền quyết định ai sẽ đứng kế ông ta trong ảnh chụp nhóm, cũng như công khai ủng hộ đại diện nước mình (Thái Lan)".
Dàn thí sinh của Miss Grand International 2022. Ảnh: Miss Grand International.
Theo trang này, họ không thể tin được Nawat Itsaragrisil - Chủ tịch Miss Grand International - có thể khẳng định ai sẽ thắng và ai sẽ vào top trước khi chung kết diễn ra. "Hãy ngừng theo dõi các cuộc thi này đi", fanpage viết thêm.
Dưới phần bình luận, Miss Universe 2011 Leila Lopes, thể hiện sự đồng tình. Cô cho rằng cuộc thi "giống rạp xiếc đúng nghĩa".
"Không thể tin được rằng nhiều cô gái đến đây chấp nhận để bản thân bị tác động bởi sự nhạo báng dưới danh nghĩa một 'show'. Tôi chỉ ủng hộ đại diện Brazil, và hy vọng nếu không thắng, cô ấy hãy đi thi Miss Universe Brazil", Leila Lopes nói thêm.
Miss Universe 2011 Leila Lopes. Ảnh: GB.
Chia sẻ của người đẹp Angola tạo nhiều tranh luận. Đa số cảm thông cho suy nghĩ của hoa hậu. Một số khán giả nhận định rằng vì đội hình top 5 chung cuộc có thể không có thí sinh châu Phi (theo tiết lộ của ông Nawat) nên Lopes mới bức xúc.
Trước đó, việc tổ chức rất nhiều các cuộc bầu chọn với các chiêu trò "câu" tương tác, lượt theo dõi và thương mại hóa quá đà đã khiến Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người hâm mộ.
Miss Grand International tổ chức hàng loạt giải bình chọn như: top 10 thí sinh được yêu thích nhất trước thềm khởi động cuộc thi, bình chọn thí sinh thi áo tắm, bình chọn ảnh chân dung đẹp nhất, bình chọn trang phục dân tộc đẹp nhất, bình chọn thí sinh đặc cách top 20, bình chọn thí sinh đặc cách top 10… Kèm theo đó, các đợt bình chọn còn yêu cầu người tham gia phải theo dõi trang chủ cuộc thi trên các nền tảng mạng xã hội mới tính là hợp lệ.
Cuộc thi đặt trụ sở tại Thái Lan vượt Hoa hậu Thế giới (có 4,1 triệu người theo dõi trên Facebook) hay Hoa hậu Hoàn vũ (có 4,9 triệu lượt theo dõi trên Instagram).
Hiện nay, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế chỉ kém Hoa hậu Hoàn vũ về lượt theo dõi trên Facebook (5,3 triệu so với 13 triệu lượt theo dõi). Chiêu bài tổ chức các cuộc bình chọn liên lục và chồng chéo nhau đã giúp cuộc thi nhanh chóng sở hữu lượt tương tác và theo dõi lớn trên mạng xã hội, điều chưa cuộc thi nào làm được trước đây.
Bích Thảo (T/h)