Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiệu trưởng Marie Curie chỉ 4 kỹ năng thoát nạn khi học sinh bị bỏ quên trên xe

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie, ngoài thực hiện nghiêm quy trình, các nhà trường có xe đưa đón cần có thiết bị công nghệ hỗ trợ, dạy học sinh kỹ năng thoát nạn.

Vụ cháu bé trường mầm non Hồng Nhung (TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tử vong khi bị bỏ quên trên xe ô tô ngày 29/5 vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông đáng báo động về sự tắc trách, bàng quan, thiếu trách nhiệm của một bộ phận giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc đưa đón trẻ đến trường.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie Hà Nội cho biết trên Tiền phong, đối với hoạt động đưa đón học sinh chỉ cần sơ sót một giây có thể để lại hậu quả khôn lường. Ngoài thực hiện nghiêm quy trình, có trách nhiệm với công việc, các nhà trường tổ chức hoạt động xe đưa đón cần có cả thiết bị công nghệ hỗ trợ.

Thiết bị mà trường Marie Curie áp dụng nhiều năm nay khá đơn giản đó là lắp “chuông an toàn”.

Công tắc chuông được lắp ở cuối xe. Cơ chế của "chuông an toàn" là, khi đưa học sinh đến trường (buổi sáng) hoặc trả học sinh về nhà (cuối chiều), lái xe trước khi tắt máy ô tô phải xuống cuối xe tắt "chuông an toàn".

Việc này giúp lái xe có cơ hội quan sát toàn bộ các ghế để phát hiện nếu có bé ngủ quên. Nếu lái xe không xuống tắt "chuông an toàn" thì khi tắt máy ô tô chuông sẽ kêu ầm ĩ suốt ngày.

Ngoài việc dùng “chuông an toàn”, mỗi năm học nhà trường có khoảng 2 đợt tập cho học sinh kỹ năng thoát hiểm đề phòng trường hợp bị bỏ quên trên xe đưa đón thì phải xử lý thế nào.

Chiếc xe 29 chỗ bỏ quên trẻ dẫn đến tử vong ở Thái Bình.

Các em học sinh được lái xe và giáo viên dạy 4 kỹ năng thoát nạn gồm: Tự mở cửa xe từ phía trong, gọi điện thoại, bóp còi xe, phá cửa kính.

4 quy tắc thoát nạn nhà trường dạy trẻ:

- Dạy học sinh cách có thể tự mở cửa xe từ phía trong.

- Bấm còi và bật đèn xe thu hút sự chú ý của những người xung quanh ngay cả khi xe tắt máy.

- Gọi điện thoại cho cô giáo hoặc bố mẹ (trường hợp học sinh có điện thoại.)

- Hướng dẫn trẻ cách dùng búa để phá cửa kính từ bên trong xe. Đương nhiên, muốn làm như vậy, xe đưa đón học sinh trước đó phải được kiểm tra các điều kiện, trong đó có búa để ở vị trí quy định, dễ thấy.

Cùng nêu quan điểm về vụ việc, bà Trần Khánh Thu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu ý kiến trên Nhân Dân: Đề xuất xe đưa đón học sinh phải có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe.

Ngoài ra, xe chở học sinh phải được thống nhất một màu sơn riêng để dễ nhận biết, phải có lối thoát hiểm để bảo đảm an toàn trong tình huống khẩn cấp. Xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/giờ…

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thăm hỏi gia đình cháu bé xấu số. (Ảnh: Nhân dân)

Trước đó, theo báo cáo sơ bộ ban đầu từ cơ quan công an, khoảng 6h20 ngày 29/5/2024, anh N.V.L (1965), trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 1 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung đón cháu H. và 9 học sinh khác đi học.

Khi đến trường, lái xe L. mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp. Sau đó, điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về.

Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình. Đến khoảng 17h cùng ngày, anh T.Đ.A - là cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H. bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.

Ngay trong đêm 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ vụ án.

Tin nổi bật