Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiểu rõ hơn về Hiệu ứng tháng 10 trong chứng khoán

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Nhiều vụ sụp đổ lớn trong lịch sử thị trường cổ phiếu từng xảy ra vào tháng 10, trong đó bao gồm ngày thứ Ba và thứ Năm đen tối năm 1929 và sự sụp đổ thị trường cổ phiếu năm 1987.

Theo thông tin trên tạp chí Nhịp sống thị trường, Hiệu ứng tháng 10 (October Effect) ám chỉ sự bất thường trên thị trường chứng khoán, khi cổ phiếu luôn trong xu hướng giảm trong tháng 10.

Có thể điểm lại một số biến cố trong thị trường chứng khoán từng xảy ra vào tháng Mười như: Hoảng Loạn (1907), Ngày thứ Ba đen tối (1929), Ngày thứ Năm đen tối (1929), Ngày thứ Hai đen tối (1929, 1987)…

Sàn giao dịch chứng khoán New York, ngày 25/10/1929. Ảnh: Getty

Theo đó, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929 bắt đầu giảm vào tháng 9 và đầu tháng 10. Đến ngày 18/10 giá cổ phiếu bắt đầu giảm mạnh. Sự hoảng loạn trên sàn giao dịch sớm bắt đầu và vào ngày 24/10, “thứ Năm đen tối”, kỷ lục 12.894.650 cổ phiếu đã được giao dịch. Các công ty đầu tư và các chủ ngân hàng hàng đầu đã cố gắng ổn định thị trường bằng cách mua vào những khối cổ phiếu lớn, tạo ra một đợt phục hồi vừa phải vào thứ Sáu (25/10).

Tuy nhiên, đến thứ Hai (28/10), cơn bão lại bùng phát và thị trường giống như “rơi tự do”. "Thứ Hai đen tối" xảy ra và sau đó là "thứ Ba đen tối" - ngày 29/10/1929 - trong đó giá cổ phiếu sụp đổ hoàn toàn và 16.410.030 cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán New York chỉ trong một ngày. Hàng nghìn nhà đầu tư đánh mất hàng tỷ USD, các mã cổ phiếu chạy chậm hàng giờ vì máy móc không thể xử lý nổi khối lượng giao dịch khổng lồ.

Hay như “thứ Hai đen tối” năm 1987 diễn ra vào ngày 19/10 khi chỉ số Dow rơi 22,6% chỉ trong 1 phiên. Chuỗi những ngày đen tối khác đã gián tiếp dẫn thế giới đến với cuộc Đại Khủng Hoảng - thời điểm toàn bộ nền kinh tế bị nhấn chìm.

Theo Investopedia, hiệu ứng tháng Mười cho đến nay vẫn tồn tại dù không có nhiều bằng chứng thống kê chính xác. Từ góc độ lịch sử, tháng này đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ giảm giá thay vì bắt đầu và vì vậy, thích hợp cho những nhà đầu tư chứng khoán nào muốn bắt đáy.

Đại văn hào Mark Twain.

Trước đây, Mark Twain, nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm như Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn, Hoàng tử và Chú bé nghèo khổ, Cuộc sống trên sông Mississippi… từng mượn miệng nhân vật Wanxon trong truyện ngắn “Bi kịch của chàng Wanxon ngốc nghếch” nói 1 câu thế này: “Tháng 10, đấy là tháng chơi cổ phiếu nguy hiểm nhất”.

Được biết, đây chính là thời điểm đại thi hào ngậm ngùi bán cổ phiếu Công ty Đường sắt Liên lục địa Oregon với giá 12 USD/cổ phiếu dù trước đó mua vào với giá 78 USD. Sau này đúc kết lại, sai lầm lớn nhất của Mark Twain đơn giản là đã đầu tư nhiều hơn những gì mà ông có thể sẵn sàng chịu mất. Thực tế này là điều hiển nhiên, song luôn bị các nhà đầu tư bỏ qua.

Lợi nhuận càng cao thì khả năng chấp nhận rủi ro phải càng lớn. Chúng ta thường có xu hướng tập trung quá nhiều vào suy nghĩ có thể kiếm được bao nhiêu tiền trong khi bỏ qua việc đánh giá rủi ro thất bại và sức chịu đựng của chính mình.

“Một đồng nhặt được trên đường cũng khiến chúng ta sung sướng hơn là 99 đồng do mình tự tay làm ra. Tiền kiếm được từ trò đánh bài hay trên thị trường chứng khoán cũng cho cảm giác tương tự”, Mark Twain nói.

Trở lại với tháng 10/2023, quy luật “Hiệu ứng tháng Mười” dường như vẫn tồn tại, khi Dow Jones khởi động tháng 10 trong sắc đỏ dù Chính phủ thoát cảnh đóng cửa.

Theo tạp chí VnEconomy, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (3/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lập đỉnh mới của 16 năm, làm dấy lên mối lo rằng lãi suất cao sẽ khiến thị trường bất động sản tê liệt và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giá dầu thô tăng trở lại do triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt, sau khi giảm xuống đáy 3 tuần dưới sức ép từ lãi suất và tỷ giá đồng USD duy trì xu hướng tăng.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 430,97 điểm, tương đương giảm 1,29%, còn 33.002,38 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 3.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,37%, còn 4.229,45 điểm. Trong phiên, có thời điểm thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6.

Áp giảm mạnh nhất rơi vào Nasdaq, khiến chỉ số này mất 1,87%, còn 13.059,47 điểm. Nasdaq có một tỷ trọng lớn các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng - đối tượng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất trong môi trường lãi suất tăng cao.

Với phiên giảm này, Dow Jones không những đánh mất hết thành quả tăng mà còn chuyển sang trạng thái giảm nếu tính từ đầu năm đến nay, với mức giảm 0,4%. Tuy nhiên, S&P 500 hiện vẫn tăng 10% trong cùng khoảng thời gian.

Ngoài thuật ngữ October Effect, giới đầu tư còn rỉ tai nhau “Sell in May and go away” (Hãy bán cổ phiếu trong tháng 5 và rời đi). Câu nói trên dựa vào hồ sơ lịch sử kém hiệu quả của một số cổ phiếu trong giai đoạn 6 tháng, bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, so với thời gian từ tháng 11 đến tháng 4. Nhà đầu tư tuân theo chiến lược có thể sẽ thoái vốn vào tháng 5 và đầu tư trở lại vào tháng 10 - thời điểm cổ phiếu được cho là chạm đáy.

Ngược với October Effect là Hiệu ứng tháng Giêng (January Effect) - thuật ngữ nói về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong những phiên cuối của tháng 12 năm trước và tiếp diễn trong tháng 1 năm sau. Đây chỉ là chù kỳ tăng ngắn hạn, đặc biệt là đối với những cổ phiếu giá rẻ, có vốn hóa nhỏ, thường có những nhịp tăng rõ rệt trong tháng đầu năm.

Hiệu ứng này sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư cổ phiếu mua vào với mức giá thấp hơn từ tháng 12 năm trước và bán lại sau khi giá trị của chúng tăng lên vào năm sau. Trước đó, phân tích dữ liệu từ năm 1904 đến năm 1974 cũng đã rõ rệt chỉ ra rằng lợi nhuận từ cổ phiếu trong tháng 1 thường cao hơn so với lợi nhuận trung bình suốt năm.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật