Theo tin tức chứng khoán trên báo Dân trí, mở cửa phiên giao dịch hôm (3/10), cổ phiếu bị bán mạnh và giảm giá trên diện rộng khiến VN-Index trượt dốc.
10 cổ phiếu lớn giảm giá đã lấy đi của VN-Index tới 13 điểm. Nguồn: VNDS
Đến hết phiên sáng, chỉ số đại diện HoSE đã để rơi 28,74 điểm tương ứng 2,49% còn 1.126,51 điểm, thủng mốc 1.130 điểm. Trong đó, cổ phiếu lớn giảm sâu đã khiến chỉ số chịu áp lực rất lớn, VN30-Index giảm 30,4 điểm tương ứng 2,61%. HNX-Index thiệt hại nặng nề, giảm 7,16 điểm tương ứng 3,02%. UPCoM-Index giảm 1,39 điểm tương ứng 1,57%.
Các chỉ số tiếp tục rơi vào đầu phiên chiều trước áp lực bán mạnh. Tại thời điểm 13h20, VN-Index ghi nhận mất 37 điểm về sát 1.118 điểm. Tuy vậy, lượng tiền bắt đáy đã giúp chỉ số "nẩy" lên trên vùng 1.120 điểm.
Đến khoảng 13h35, VN-Index vẫn còn thiệt hại hơn 31 điểm tương ứng mức giảm còn trên 2,7%. Lúc này thanh khoản HoSE cải thiện lên mức 13.700 tỷ đồng.
Dẫu vậy, nếu lực mua không đột biến thì khả năng phiên chiều nay "cửa sáng" với chỉ số vẫn hẹp, đặc biệt là khi cả khối ngoại và tự doanh đều đã bán ròng trong phiên sáng.
Thanh khoản cải thiện đáng kể so với hôm qua, tuy nhiên cũng phản ánh lực bán đang rất mạnh. Nếu như phiên chiều không có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của dòng tiền thì rủi ro với thị trường sẽ gia tăng.
Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trên HoSE gần 448 triệu cổ phiếu tương ứng 9,441 tỷ đồng; HNX có 63 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.262 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 32 triệu cổ phiếu tương ứng 485 tỷ đồng.
Sắc đỏ bao trùm thị trường với số lượng mã giảm giá áp đảo hoàn toàn, lên tới 785 mã trên cả 3 sàn so với tổng cộng 107 mã tăng. Tuy vậy, chưa xảy ra hiện tượng bán tháo, bán bằng mọi giá vì cả 3 sàn mới chỉ có 17 mã giảm sàn, riêng sàn HoSE mới có 3 mã giảm sàn trên tổng số 473 mã giảm giá.
Nhiều mã bất động sản trong phiên chạm giá sàn đã kịp thoát sàn, giảm thiệt hại. Có thể kể đến QCG giảm 6,5%; DXG giảm 6,3%; TCH giảm 6,3%; DIG giảm 6,2%; HTN giảm 5,2%; CRE giảm 4,9%; FIR giảm 4%. Các mã đều có thời điểm chạm sàn trong sáng nay. Nhìn chung hầu hết cổ phiếu bất động sản đang trong tình trạng giảm giá và phần lớn giảm sâu.
Nhiều mã bất động sản trong phiên chạm giá sàn đã kịp thoát sàn, giảm thiệt hại. Có thể kể đến QCG giảm 6,5%; DXG giảm 6,3%; TCH giảm 6,3%; DIG giảm 6,2%; HTN giảm 5,2%; CRE giảm 4,9%; FIR giảm 4%. Các mã đều có thời điểm chạm sàn trong sáng nay. Nhìn chung hầu hết cổ phiếu bất động sản đang trong tình trạng giảm giá và phần lớn giảm sâu.
Cổ phiếu ngành chứng khoán tương tự cũng có một số mã bị bán mạnh, có lúc đã giảm kịch biên độ trên sàn HoSE như BSI, VIX, AGR. Dù vậy, 3 mã này đã kịp thời thu hẹp thiệt hại, BSI tạm đóng cửa giảm 5,5%; VIX giảm 5,3%; AGR giảm 5,1%.
Theo báo Vietnamnet, trong 30 cổ phiếu trụ cột nhóm VN30, chỉ có Ngân hàng SeABank (SSB) trụ ở mức giá tham chiếu, còn lại đều giảm điểm. Trong đó, nhiều mã giảm mạnh như VIC, VHM, GAS, FPT, BCM…
Thị trường giảm trên diện rộng nhưng sức cầu bắt đáy tăng trở lại.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng khi thanh khoản trên thị trường trong phiên liền trước (2/10) tụt giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng. Giá trị khớp lệnh trên Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, giảm 50% so với bình quân 20 phiên gần nhất.
Thị trường chứng khoán còn chịu áp lực do USD tăng rất mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số DXY tăng vọt lên mức 107,13% vào đầu giờ sáng 3/10 (giờ Việt Nam). Đêm qua, chỉ số này đã vọt từ trên 105 lên trên 106 điểm. Đây là một mức giá rất cao nếu so với ngưỡng 100 điểm hồi giữa tháng 7. Chỉ số DXY hiện mức cao nhất trong 6,5 tháng.
Đồng USD tăng mạnh thường khiến dòng vốn bị rút khỏi các thị trường mới nổi, chảy về Mỹ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu “diều hâu” sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giữ trong thời gian dài. Hiện, lãi suất quỹ liên bang ở mức cao nhất 22 năm là 5,25%-5,5%. Fed có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong tháng 11.
Với mức lãi suất cao như hiện tại, nhiều người lo ngại dòng vốn có thể bị rút ra ở nhiều thị trường chứng khoán khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Vân Anh (T/h)