Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ở Chile sẽ sớm có hiệu lực, được hi vọng sẽ giúp 11 quốc gia chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Hình ảnh lễ ký kết CPTPP tại Chile. Ảnh: EPA |
Mười một quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ở Chile – Hiệp định mới được sửa đổi sau khi Mỹ rút lui khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017. Các nước tham gia là Singapore, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Việt Nam.
Bộ trưởng các nước đã bày tỏ sự quyết tâm với việc hoàn thành các quy trình trong nước CPTPP sớm có hiệu lực. Họ cũng hoan nghênh sự quan tâm của một số nền kinh tế khác mong muốn gia nhập khối thương mại, chiếm 13,5% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.
Các quốc gia sẽ phải phê chuẩn hiệp định, một quá trình bao gồm cả việc sửa đổi luật pháp trong nước.
Việc ký kết diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký thông qua một sắc lệnh áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm - động thái mà các quốc gia khác và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết có thể khởi động một cuộc chiến thương mại toàn cầu. CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia thành viên phần nào chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Lim, đại diện phái đoàn Singapore ở Chile nói: "Các công ty Singapore sẽ có cơ hội tốt hơn để khai thác cơ hội phát triển và tăng cường tiếp cận thị trường các quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Bộ Thương mại Singapore cho biết CPTPP cũng sẽ tăng cường thương mại giữa các nước trong khu vực bằng cách loại bỏ đáng kể rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hoá.
Hiệp định đồng thời cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tiếp cận nhiều hơn với cơ hội kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các hợp đồng mua sắm của chính phủ ở các quốc gia khác.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Straitstimes)